Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật “chống những kẻ đập phá” với 387 phiếu ủng hộ, 92 phiếu chống và 74 phiếu trắng.
Trong nỗ lực hạn chế các hành vi bạo lực, phá hoại tài sản công, đốt phá xe hơi, đập phá các cửa hàng và hôi của lợi dụng các cuộc biểu tình, đặc biệt là biểu tình “áo vàng” đang xảy ra tại Pháp, ngày 5-2, Quốc hội nước này đã thông qua dự luật có tên gọi “luật chống những kẻ đập phá”.
“Luật chống những kẻ đập phá” nhằm hạn chế các hành vi bạo lực, phá hoại tài sản công, đốt phá xe hơi, đập phá các cửa hàng và hôi của lợi dụng các cuộc biểu tình. Ảnh: CNBC. |
Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật “chống những kẻ đập phá” với 387 phiếu ủng hộ, 92 phiếu chống và 74 phiếu trắng.
Dự luật chống những kẻ đập phá của chính phủ Pháp nhằm mục đích phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực bên lề các cuộc biểu tình và trừng phạt người có các hành vi này.
Một số biện pháp cụ thể trong dự luật này là: Cho phép lực lượng cảnh sát kiểm tra đồ đạc cá nhân của những người có mặt tại địa điểm biểu tình và các khu vực lân cận, lục soát các phương tiện như xe hơi, nhằm mục đích phát hiện các loại vũ khí có thể được sử dụng để tiến hành các hoạt động đập phá, bạo lực; thiết lập trước một danh sách những người có khả năng gây bạo lực, đập phá, cấm những người này tham gia biểu tình; bên cạnh đó là phạt tiền lên tới 15.000 euro và phạt tù tới 1 năm đối với các trường hợp vi phạm.
Dự luật này của Chính phủ Pháp đang vấp phải nhiều chỉ trích, khi nhiều ý kiến cho rằng các điều khoản trong dự luật hạn chế quyền tự do của công dân Pháp, ngay cả công đoàn của cảnh sát Pháp cũng cho rằng các biện pháp này thường được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp, không nên để những trường hợp đặc biệt trở thành quy định pháp luật.
Tuy nhiên, chính phủ Pháp khẳng định dự luật này không nhằm mục tiêu gì khác ngoài việc đảm bảo quyền biểu tình của người dân.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christop Castaner nhấn mạnh: “Trật tự công cộng được thể hiện qua các lực lượng an ninh, những người duy nhất có quyền sử dụng vũ lực. Vũ lực phải được quy định rõ ràng, phải được chuẩn bị và phải được sử dụng phù hợp. Tôi đề nghị các nghị sỹ, chúng ta phải hỗ trợ lực lượng an ninh sử dụng hiệu quả vũ lực. Nhiệm vụ cơ bản của họ là đảm bảo an ninh công cộng. Đây không phải là luật nhằm giải quyết tình huống mà là một luật có ý nghĩa lâu dài. Đây không phải luật nhằm trấp áp mà nhằm mục đích bảo vệ quyền biểu tình của người dân”.
Dự kiến, dự luật chống những kẻ đập phá của chính phủ Pháp sẽ được trình thượng viện Pháp vào tháng 3, nếu được Thượng viện thông qua, luật này sẽ có hiệu lực trong vài tháng tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.