Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quốc hội phải chủ động quyết định về ngân sách

Châu Anh| 17/06/2014 06:18

(HNM) - Sáng 16-6, Bên lề Quốc hội, ĐB Trần Du Lịch đã có những chia sẻ với báo giới về những vấn đề mà cử tri quan tâm.

ĐB Trần Du Lịch. Ảnh: Internet


- Trong phát biểu tại hội trường, dường như ông chưa hài lòng với sự "đổi mới" trong dự thảo. Vậy theo ông dự thảo cần làm rõ hơn những vấn đề gì?

- Trước hết, tôi cho rằng dự thảo phải nói rõ được vai trò của QH với những nhiệm vụ quan trọng. Đầu tiên là nhiệm vụ lập hiến, lập pháp. Thứ hai là quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, nhưng quan trọng hơn cả là cơ quan có quyền quyết định cao nhất với cái gọi là "kiếm tiền" và "tiêu tiền", ví dụ: Tăng thuế hay không tăng thuế, đặt ra thuế gì, tức là tạo nguồn thu, ví dụ có sử dụng quỹ cổ phần hóa của Nhà nước không, cũng là một nguồn ngân sách, là nhiệm vụ QH phải làm. Thứ ba mới bàn tới giám sát. Trong các nhiệm vụ đó, muốn đổi mới hoạt động QH thì phải chủ động vấn đề lập pháp, tránh tình trạng chương trình xây dựng pháp luật chủ yếu do Chính phủ thực hiện, có cái gì thì làm cái đó.

- Nói về hoạt động của QH, tại kỳ họp này, nhiều ý kiến ĐB đề xuất QH phải là cơ quan xây dựng các quy phạm pháp luật chứ không nên giao cho các cơ quan Chính phủ như hiện nay?

- Tôi đề nghị cần nâng vai trò của Ủy ban Pháp luật của QH - cơ quan tham mưu tổng hợp nhất của QH để làm hai việc: Một là chủ động trong việc xây dựng pháp luật từng năm và nhiệm kỳ; hai là chịu trách nhiệm rà soát để xây dựng pháp luật mang tính hệ thống, tránh sự chồng chéo. Vì nếu thiếu tính hệ thống là rối loạn.

- Ông có thể nói rõ hơn về đề xuất QH phải là nơi quyết định cao nhất chuyện "kiếm tiền" và "tiêu tiền"…?

- Phải nâng cao vai trò của Ủy ban Ngân sách - không phải Ủy ban Tài chính, ngân sách với vấn đề chính sách tài chính chung chung nữa. Vấn đề chính sách vĩ mô để Ủy ban Kinh tế làm. Ủy ban Ngân sách sẽ đảm nhận việc tham gia ngay quá trình làm dự toán ngân sách, không để tình trạng làm dự toán xong mọi thứ rồi mới đưa thẩm định kiểu như "ván đã đóng thuyền", không "cắt" của ai được nữa cả! Để thực hiện quy trình thiết lập ngân sách, ủy ban phải tham gia từ đầu, chủ động, từ đó chính QH sẽ định hướng rằng năm tới ngân sách sẽ phải tập trung cho ngành gì, cho địa phương nào… Tóm lại, Ủy ban Ngân sách phải tham mưu trước về quan điểm, định hướng dự toán.

Trong đó, quá trình dự toán Ủy ban Ngân sách phải tham gia trực tiếp. Khi cân đối ngân sách dự toán sẽ phải chỉ ra cần kiếm những nguồn thu gì, vay nợ hay không vay nợ, bội chi hay không bội chi, mức độ nào...; hoặc thấy có nguồn nào bù vào đó mà chúng ta còn sót để không phải vay nợ không. Để ủy ban này có hiệu quả, tôi cho rằng cần đầu tư tối đa cho bộ máy giúp việc, lấy những chuyên viên giỏi nhất về làm việc, nếu không, không bao giờ QH chủ động về ngân sách, chẳng quyết định được gì cả.

- Ông có kiến nghị gì về vai trò của ĐBQH cho dự thảo sửa đổi lần này?

- Phần quy định về ĐBQH, tôi cho rằng, chúng ta đồng ý một cơ chế, thể chế chính trị còn có cơ chế kiêm nhiệm, số chuyên trách có thể nâng lên 40% thì phải là những người làm chuyên nghiệp, chọn nghề này; đồng thời phải không hành chính hóa, ĐB chuyên trách TƯ và địa phương là cơ chế giống nhau, chỉ khác là được phân công làm nhiệm vụ gì. Ví dụ làm phó chủ tịch một ủy ban thì anh được phụ cấp về công việc của anh, chứ không phải là chức vụ; tránh tình trạng có ủy ban hiện nay, ngoài ông chủ nhiệm ra có 3 cấp: Phó chủ nhiệm một cấp, ủy viên thường trực một cấp, ĐB chuyên trách một cấp để rồi "ông" ĐBQH này lại chỉ đạo "ông" ĐBQH kia.

- Có ý kiến phát biểu lo ngại dự thảo tăng số lượng ĐB chuyên trách, nhưng có những ĐB này lại không có việc gì làm?

- Đúng. Tôi cho rằng, nếu giữ cơ chế (như quy định về hoạt động của ĐB chuyên trách như hiện nay - PV) mà tăng số ĐB chuyên trách là lãng phí tiền của dân. Thay vào đó, có thể thuê chuyên viên về làm việc còn rẻ hơn và được việc hơn. Vấn đề này tại nhiệm kỳ trước, khi tham gia vấn đề xây dựng đề án đổi mới QH tôi đã phát biểu rồi. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội phải chủ động quyết định về ngân sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.