Sau hơn một năm tranh cãi, ngày 4/2, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách trợ cấp cho các nông trại, trong đó có một điều khoản gây khó dễ cho mặt hàng cá da trơn xuất khẩu của Việt Nam.
Chế biến cá da trơn. (Ảnh minh họa, kinhte.24h) |
Dự luật vừa được Thượng viện thông qua với 68 phiếu ủng hộ và 32 phiếu chống, chuẩn chi 956 tỷ USD, theo đó trong 5 năm tới sẽ mở rộng sự bảo lãnh của chính phủ liên bang cho cây trồng và mùa màng của nông dân Mỹ. Phòng Ngân sách Quốc hội trù tính, dự lụât trang trại mới sẽ tiết kiệm ngân sách liên bang được 16,6 tỷ USD trong 10 năm tới trong khi các nhà lãnh đạo Quốc hội lại đưa ra con số cao hơn, lên tới 23 tỷ USD. Cắt giảm mỗi năm khoảng 900 triệu USD ngân sách của chương trình tem phiếu lương thực là vấn đề gây tranh cãi và bế tắc lâu nhất. Dự luật trang trại mới sẽ cắt giảm 8 tỷ USD trong 10 năm từ chương trình tem phiếu lương thực dành mỗi năm khoảng 80 tỷ USD cho khoảng 47 triệu người nghèo và thu nhập thấp. Dự luật gia tăng sự bảo lãnh của chính phủ liên bang cho giống má và các loại cây trồng, nhưng có một sự thay đổi lớn trong lịch sử 80 năm qua, theo đó sẽ chấm dứt việc cấp tiền bảo lãnh trực tiếp cho người nông dân, bất luận kết quả thu hoạch và giá nông sản lên hoặc xuống. Dự luật cũng gia tăng sự bảo lãnh của chính phủ cho những loại cây trồng và vật nuôi mà chính phủ mong muốn, nhất là lúa mì, ngô và đậu nành.
Dự luật trang trại của Mỹ có một điều khoản rất nghiêm ngặt quy định các sản phẩm thịt, gà, lớn hoặc bò, nhập khẩu vào Mỹ đều phải dán nhãn xuất xứ nuôi trồng, nơi giết mổ và cách thức giết mổ. Bất chấp sự phản đối của một số nghị sỹ, dự luật trang trại đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua vẫn bao gồm một điều khoản, theo đó chuyển chức năng giám sát cá da trơn, trong đó có cá basa và cá tra của Việt Nam, từ Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) sang Bộ Nông nghiệp. Với điều khoản này, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ áp dụng tiêu chuẩn quy định cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngang đồng với mặt hàng này sản xuất tại Mỹ, từ quy trình sản xuất đến việc đóng gói và xuất khẩu. Điều khoản này do hiệp hội nuôi trồng cá da trơn của Mỹ và các nghị sỹ các bang miền Nam của Mỹ cố đưa vào mặc dù Thượng nghị sỹ John McCain phản bác, coi đây là một hàng rào thương mại nhằm bảo vệ lợi ích của người nuôi trồng cá da trơn của Mỹ./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.