(HNM) - Trái với những dự đoán rằng kịch bản căng thẳng về cuộc chiến nâng trần nợ công của xứ Cờ hoa sẽ tái diễn thì bất ngờ tối 11-2 vừa qua, với số phiếu sít sao 221 phiếu thuận, 201 phiếu chống và không kèm bất cứ điều kiện nào, Hạ viện Mỹ đã thông qua một Dự luật nâng trần nợ đến tháng 3-2015.
Ngay sau đó, Thượng viện Mỹ nhanh chóng thông qua dự luật này. Với quyết định thông qua của lưỡng viện trong Quốc hội, chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ có quyền tiếp tục vay nợ cao hơn mức 17,2 nghìn tỷ USD hiện nay để chi trả cho các hoạt động và trả nợ đến hết ngày 15-3-2015. Như thế, nguy cơ về một khủng hoảng nợ được đẩy lùi qua cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.
Chứng khoán phố Wall đã có những dấu hiệu tích cực sau thông tin Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật nâng trần nợ công. |
Dự luật đã được thông qua sau 5 ngày kể từ khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lack Lew gửi thư cảnh báo các nhà lãnh đạo Quốc hội rằng sau ngày 27-2 tới, nước Mỹ sẽ không còn tiền để thanh toán các khoản nợ nếu các nhà lập pháp không gia hạn quyền vay tiền cho Chính phủ liên bang. Trên thực tế, kể từ năm 2011, nước Mỹ đã nhiều lần phải đối mặt nguy cơ vỡ nợ do các nghị sĩ đối lập thường gây trở ngại cho chính quyền trong các cuộc bỏ phiếu về việc nâng trần nợ công tại Quốc hội. Lần gần đây nhất, ngày 16-10-2013, Mỹ chỉ tránh được tình trạng lâm vào một cuộc vỡ nợ lịch sử khi vào phút chót, Đồi Capitol thông qua thỏa thuận về giải pháp tăng trần nợ công và tái mở cửa Chính phủ. Theo các nhà phân tích, việc Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát thông qua dự luật nâng trần nợ công mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào là một chiến thắng đối với Tổng thống B.Obama và cũng là một bất ngờ lớn.
Lâu nay, hai đảng trong Quốc hội Mỹ ít khi xuất hiện khái niệm nhượng bộ. Sự bất ổn gây ra bởi các cuộc "đấu khẩu" giữa lưỡng đảng trong 3 năm qua được ví như "thảm họa" đối với các nỗ lực phục hồi kinh tế của cường quốc số một thế giới. Dẫu vậy, cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa đều nhận thức rõ hậu quả của việc nền kinh tế lớn nhất thế giới này bị rơi vào tình trạng vỡ nợ. Trong trường hợp Quốc hội Mỹ không nâng trần nợ công trước ngày 27-2, có ba kịch bản có thể xảy ra. Thứ nhất, Chính phủ Mỹ buộc phải mạnh tay cắt giảm chi tiêu công để duy trì nợ công ở dưới ngưỡng 16.700 tỷ USD (tương đương 3,9% GDP). Thứ hai, Tổng thống B.Obama sẽ sử dụng điều khoản cho phép ông đơn phương nâng trần nợ công. Khả năng cuối cùng là Chính phủ Mỹ sẽ rơi vào tình trạng "tạm thời mất khả năng thanh toán". Nếu kịch bản thứ ba xảy ra, nước Mỹ sẽ đánh mất niềm tin của các nhà đầu tư vì từ trước đến nay, trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn được coi là an toàn nhất. Điều đó có thể châm ngòi cho làn sóng bán tháo trái phiếu Mỹ và gây ra sự hoảng loạn ở các thị trường tài chính trên khắp thế giới. Đây chắc chắn là điều mà các chính trị gia Mỹ không hề mong muốn. Thế nên, động thái đáng mừng vừa diễn ra không chỉ là dấu hiệu tích cực góp phần xoa dịu những bất đồng về chính sách tại Quốc hội Mỹ mà còn giúp nước này tránh các cuộc khủng hoảng mới về cả chính trị và kinh tế.
Phản ứng với những thỏa hiệp có ý nghĩa vừa đạt được tại Đồi Capitol, thị trường chứng khoán phố Wall ngay lập tức trở nên sôi động. Toàn bộ 10 nhóm ngành cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 đều tăng điểm trong ngày 12-2. 75% cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch New York và 67% cổ phiếu trên sàn Nasdaq đóng cửa với sắc xanh. Hiện S&P 500 chỉ còn cách mức kỷ lục trước đó không xa.
Việc Dự luật nâng trần nợ công được Quốc hội phê chuẩn đã chính thức chấm dứt cuộc chiến ngân sách căng thẳng trên chính trường Mỹ kéo dài từ cuối năm 2013 đến nay mà "kẻ" thua cuộc lớn nhất chính là người dân và uy tín nước Mỹ. Do đó, thỏa thuận vừa đạt được cũng gửi đi thông điệp rằng, các nhà lập pháp đã để sang một bên những mục tiêu riêng tư để hướng đến lợi ích chung, bảo đảm vị thế của nền kinh tế số 1 thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.