(HNM) - Ngày 26-10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã dành cả ngày thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Quốc hội cũng đánh giá 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Phiên họp toàn thể kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XIV. |
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tán thành cao với nội dung báo cáo của Chính phủ, ghi nhận những thành tựu kinh tế - xã hội mà toàn Đảng, toàn dân ta đã đạt được trong những năm vừa qua.
Thảo luận về kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các đại biểu Quốc hội đã ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng như: Tính đến tháng 8-2018, đã có 1.052 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29%; giai đoạn 2016-2018 đã cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho 20,705 triệu lượt đồng bào dân tộc thiểu số, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ...
Đáng chú ý, trong phiên thảo luận buổi chiều, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu giải trình.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, hết tháng 9-2018, nông nghiệp tăng trưởng 3,65% là mức cao trong nhiều năm gần đây.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tập trung giải trình về một số vấn đề nổi cộm như thi cử, sách giáo khoa và biên chế giáo viên. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, kỳ thi vừa rồi đã xảy ra gian lận điểm thi nghiêm trọng. Hiện vụ việc đã được Bộ báo cáo Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan đang làm và tới đây sẽ tiếp tục làm với tinh thần "đã sai là sửa". Về sách giáo khoa, Bộ trưởng cho biết, chương trình sách giáo khoa hiện thiết kế theo hướng 80% dành cho cả nước và 20% dành cho vùng miền. Mới đây khi có ý kiến bức xúc của nhân dân, Bộ cũng đã hướng dẫn các đơn vị điều chỉnh. Tới đây khi ban hành chương trình mới thì sẽ khắc phục các hạn chế.
Đối với vấn đề giáo viên, quan điểm của Bộ là ưu tiên tuyển dụng giáo viên theo nhu cầu học ở các địa phương, làm sao đủ giáo viên để dạy chứ không tuyển dụng cứng nhắc theo cơ cấu biên chế...
Theo thống kê, trong ngày làm việc thứ năm, đã có hơn 40 đại biểu tham gia phát biểu thảo luận, tranh luận. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét, không khí thảo luận rất sôi nổi, có chiều sâu và khá toàn diện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.