Chiều 7/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2017, với mục tiêu đạt tốc độ tăng GDP năm tới khoảng 6,7%.
Quốc hội "chốt" mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,7% năm 2017 |
Nghị quyết nêu mục tiêu tổng quát năm 2017 là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế và khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao tính tự chủ nền kinh tế…
Theo đó, tốc độ tăng GDP năm 2017 cần đạt khoảng 6,7%; xuất khẩu tăng 6-7%; nhập siêu khoảng 3,5%; lạm phát 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 31,5% GDP… Với chỉ tiêu này, tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2017 vẫn được đưa ra bằng với mục tiêu 2016, trong khi chỉ tiêu về xuất khẩu đã được điều chỉnh thấp hơn.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trong bối cảnh môi trường đầu tư kinh doanh hoàn thiện, chưa kể năm tới sẽ thực hiện đồng bộ các kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công, tái cơ cấu lại nền kinh tế 2016 - 2020 và sử dụng hiệu quả các nguồn lực… thì việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng không quá khó khăn.
Để đạt mục tiêu trên, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát và phát triển thị trường mua bán nợ không để phát sinh thêm nợ xấu bên cạnh mục tiêu xử lý hiệu quả nợ xấu; quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, vàng… Dù dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên mức 40 tỷ USD nhưng Chính phủ cần phấn đấu tăng cao hơn con số hiện có.
Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ triển khai dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành theo Nghị quyết của Quốc hội, một số đoạn đang triển khai của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, một số đoạn quan trọng trên tuyến đường bộ ven biển… và trước mắt có giải pháp phù hợp, áp dụng ngay để tiết kiệm vốn đầu tư công, có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động các dự án BOT giao thông.
Về tái cơ cấu kinh tế, Quốc hội yêu cầu tập trung vào 3 trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng; triển khai hiệu quả bồi thường sau sự cố ô nhiễm môi trường biển và hiệu quả chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.