Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết thành lập thành phố, phường, thị trấn và sắp xếp các đơn vị hành chính thuộc thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, An Giang, Thanh Hóa, Bình Dương.
Thành lập thành phố Thủ Đức
Tại Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết nghị sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của quận 9 và toàn bộ 47,8 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người.
Sau khi thành lập thành phố Thủ Đức và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Thủ Đức có 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.
UBTVQH quyết nghị sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc quận 3, quận 4, quận 5, quận 10, quận Phú Nhuận của thành phố Hồ Chí Minh.
UBTVQH quyết nghị giải thể Tòa án nhân dân quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
UBTVQH quyết nghị giải thể Viện kiểm sát nhân dân quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Kể từ ngày 1-1-2021, thành phố Hồ Chí Minh có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố.
Thành lập thành phố Phú Quốc
Tại Nghị quyết số 1109/NQ-UBTVQH14, UBTVQH quyết nghị thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Cụ thể, thành lập thành phố Phú Quốc trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Sau khi thành lập, thành phố Phú Quốc có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2 phường: An Thới, Dương Đông và 7 xã: Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh, Thổ Châu. Tỉnh Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 huyện và 3 thành phố.
UBTVQH quyết nghị thành lập Tòa án nhân dân thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và thành lập Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trên cơ sở kế thừa Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Nghị quyết số 1109/NQ-UBTVQH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.
Thành lập phường, thị trấn
Tại Nghị quyết số 1107/NQ-UBTVQH14, UBTVQH quyết nghị thành lập thị trấn Vĩnh Thạnh Trung thuộc huyện Châu Phú, thị trấn Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn và thị trấn Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Tại Nghị quyết số 1108/NQ-UBTVQH14, UBTVQH quyết nghị thành lập 10 phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Sau khi thành lập, thành phố Thanh Hóa có 34 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 30 phường.
Tại Nghị quyết số 1110/NQ-UBTVQH14, UBTVQH quyết nghị thành lập thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, thành lập thị trấn Tân Bình trên cơ sở toàn bộ 28,93 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 9.879 người của xã Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Sau khi thành lập, huyện Bắc Tân Uyên có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 8 xã và 2 thị trấn.
Các nghị quyết: Nghị quyết số 1107/NQ-UBTVQH14, Nghị quyết số 1108/NQ-UBTVQH14, Nghị quyết số 1110/NQ-UBTVQH14 đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2021.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.