Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quinvaxem - Chuyện "nóng" của ngành y tế năm 2015

HNMO| 21/12/2015 15:24

(HNMO) – Nhiều trường hợp phản ứng nặng với vắc xin Quinvaxem, vắc xin Việt Nam sản xuất có thể xuất khẩu ra thế giới, ca ghép tạng lịch sử...Đây là những vấn đề nổi bật của ngành y tế trong năm 2015.

Nhiều trường hợp phản ứng nặng với vắc xin Quinvaxem, vắc xin Việt Nam sản xuất có thể xuất khẩu ra thế giới, ca ghép tạng lịch sử...

Nóng vấn đề vắc xin Quinvaxem

Cũng liên quan đến vắc xin, năm 2015 Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp phản ứng nặng với vắc xin Quinvaxem. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến tháng 10 có 16 trường hợp phản ứng nặng (như: tím tái, khó thở, sốt ca) sau tiêm Quinvaxem, trong đó có 8 ca tử vong. Hội đồng chuyên môn đã kết luận 7 ca tử vong trùng hợp và 1 ca sốc phản vệ. Việc cân nhắc thay thế vắc xin Quinvaxem đã được Bộ Y tế nghĩ đến nhưng thời điểm này chưa thể thay thế Quinvaxem vì theo Bộ Y tế, việc thay thế vắc xin cần phải dựa trên các bằng chứng khoa học không thể cứ xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng là thay thế ngay loại vắc xin đang sử dụng, mà phải tìm hiểu rõ vấn đề an toàn tiêm chủng, tính sinh miễn dịch của loại vắc xin dự kiến thay thế; tiếp đó là nguồn cung ứng vắc xin, nguồn tài chính bảo đảm. Bộ Y tế cho biết, bất kỳ loại vắc xin nào cũng có tỷ lệ phản ứng nhất định và không ai dám khẳng định là loại vắc xin mới thay thế khi được triển khai sẽ không xảy ra tử vong.

(nguồn: Internet)


Hơn nữa, việc thay thế vắc xin Quinvaxem bằng vắc xin phối hợp chứa thành phần ho gà vô bào cũng đã được đặt ra nhưng còn nhiều ý kiến trái chiều. Hiện nay nguồn cung ứng các vắc xin này (Infanrix Hexa, Pentaxim) trên thế giới và tại Việt Nam rất khó khăn, không có để sử dụng ngay cả trong tiêm dịch vụ.

Theo dự báo, từ nay đến năm 2016 Việt Nam sẽ khó nhập vắc xin dịch vụ "5 trong 1" và "6 trong 1" của Pháp, Bỉ. Nguyên nhân là do các hãng chỉ sản xuất vắc xin theo đơn đặt hàng lớn từ cách đây 2-3 năm, vì vậy, không có thừa vắc xin để bán cho Việt Nam. Việc khan hiếm vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 dịch vụ nên trên thị trường xuất hiện tình trạng rao bán vắc xin trôi nổi, không rõ nguồn gốc.


Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung có hiệu lực

Từ ngày 1/1/2015, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi bổ sung có hiệu lực với nhiều điểm thay đổi. Đó là: Khi khám, điều trị vượt tuyến trung ương, người bệnh chỉ được thanh toán 40%, tuyến tỉnh mức chi là 60% khi nằm viện điều trị nội trú, còn người đi khám, kê đơn, điều trị ngoại trú sẽ không được thanh toán; khuyến khích mua BHYT theo hộ gia đình bằng cách, người dân mua BHYT theo hộ gia đình sẽ được giảm trừ mức đóng; người nghèo, đối tượng khó khăn được hỗ trợ tối đa; Bộ Y tế mở thông tuyến khám, chữa bệnh, cụ thể, người dân khi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện sẽ được quyền khám, chữa tại tất cả đơn vị tương đương tuyến cùng địa bàn tỉnh.

Luật BHYT sử đổi, bổ sung có nhiều điểm mới (ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Trong quá trình triển khai, một số vướng mắc đã được Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp tháo gỡ.

Vắc xin Việt Nam sản xuất có thể xuất khẩu ra thế giới

Ngày 22/6, Bộ Y tế tổ chức lễ công nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA) của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ đây Việt Nam trở thành 1 trong 39 nước đạt chứng nhận trên.

(ảnh: minh họa, nguồn: Internet)


Theo TS Trương Quốc Cường-Cục trưởng Cục quản lý Dược (Bộ Y tế), để đạt được chứng nhận NRA, Việt Nam đã chuẩn bị một thời gian dài rất kỹ lưỡng, và bắt đầu tăng tốc cách đây gần 2 năm. Hơn 1 năm qua, Bộ Y tế đã mời 30 chuyên gia của WHO và các tổ chức quốc tế đến Việt Nam hỗ trợ cho việc nâng cao năng lực của cơ quan quản lý quốc gia về vắc xin để đạt tiêu chuẩn quan trọng này. Để đảm bảo các sản phẩm vắc xin có chất lượng và an toàn, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các nội dung theo bộ công cụ tiêu chuẩn đánh giá năng lực của cơ quan quản lý quốc gia về vắc xin của WHO.

Với việc đạt chứng nhận trên, Việt Nam đứng trước một cơ hội rất lớn để phát triển ngành công nghiệp vắc xin. Thay vì chỉ phục vụ thị trường nội địa mà chủ yếu là khoảng 1,7 triệu trẻ em mới sinh hàng năm, nay các nhà sản xuất vắc xin trong nước có cơ hội nâng cao năng lực, sản xuất vắc xin để xuất khẩu sản phẩm đi khắp thế giới.

Ca ghép tạng lịch sử và ca ghép tế bào gốc khác huyết thống thành công

Với ca ghép tế bào gốc khác huyết thống, bệnh nhân là H.T.T.L, 28 tuổi, quê Quảng Bình, phát hiện ung thư máu từ tháng 9/2014, đã được điều trị hóa chất, tiên lượng xấu, và phương pháp ghép tế bào gốc đồng loại được xem là phương pháp tối ưu nhất. Em trai của bệnh nhân sẵn sàng hiến tế bào gốc cho chị gái nhưng giữa hai chị em lại không phù hợp HLA (kháng nguyên bạch cầu). Rất may, các bác sĩ đã tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp trong Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng.

Ca phẫu thuật ghép tế bào gốc cho bệnh nhân L đã được tiến hành. Sau 3 tháng theo dõi, bác sĩ thông báo các chỉ số của bệnh nhân gần như đã ổn định hoàn toàn, tế bào gốc máu cuống rốn đã mọc ổn định, thay thế toàn bộ tế bào gây bệnh, bệnh nhân cũng không phải truyền hóa chất, chỉ uống thuốc chống thải ghép và theo dõi.

Thông tin được GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cung cấp hồi tháng 4 cho biết, tại Việt Nam, ghép tế bào gốc đã được tiến hành nhiều năm qua nhưng chủ yếu là ghép tự thân và ghép đồng loại. Trường hợp bệnh nhân H.T.T.L là ca ung thư máu người lớn đầu tiên được ghép tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng.

Với ca ghép tạng lịch sử,  hồi tháng 9, Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội) đã thực hiện thành công 2 ca ghép gan, tim cho 2 bệnh nhân nam ở Hà Nội với nguồn tạng hiến từ người chết não. Bệnh nhân ghép gan có tiền sử viêm gan B, xơ gan, ung thư gan, có chỉ định ghép gan để kéo dài sự sống, còn bệnh nhân ghép tim đã nhiều năm phải sống chung với bệnh lý giãn cơ tim giai đoạn nặng. Điều đặc biệt là nguồn tạng này phải trải qua quãng đường di chuyển hơn 1.700km, từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để ghép.

Tiến hành ca ghép tim đặc biệt có một không hai cho bệnh nhân Tuyến (ảnh do BV cung cấp).


Trước đó, sáng 4/9, nhận được thông tin từ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thông báo BV Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) có người chết não hiến tạng, sau khi lựa chọn được bệnh nhân phù hợp, 14h30, kíp phẫu thuật của BV Việt - Đức đã bay đến nơi có nguồn tạng. Vào 17h30 cùng ngày, ngay sau khi khối tim, gan được bảo quản trong dung dịch chuyên dụng, kíp bác sĩ tiếp tục lên máy bay và có mặt tại BV Việt - Đức lúc 23h30. Lúc này, 2 kíp phẫu thuật tại đây đã hoàn tất việc bóc tách khối gan bị xơ và quả tim hỏng để ghép nối phần tạng mới vào cơ thể. Đến gần 5h ngày 5/9, cả 2 ca ghép tim và gan đã hoàn tất. Sức khỏe của 2 bệnh nhân được ghép có sự tiến triển tốt.

Đây là ca ghép đầu tiên tại Việt Nam nguồn tạng hiến được vận chuyển bằng đường hàng không.

Ngăn chặn nhiều dịch bệnh nguy hiểm

Năm 2015, nhiều dịch bệnh nguy hiểm tiếp tục hoành hành trên thế giới như Ebola, MERS-CoV…có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, ngành y tế trong nước đã triển khai nhiều biện pháp để phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc giám sát tại sân bay, bến cảng; áp dụng tờ khai y tế đối với khách nước ngoài từ vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam.

Hành khách đến từ Hàn Quốc khai báo y tế khi nhập cảnh qua sân bay Nội Bài (ảnh: Internet)


Rút kinh nghiệm từ năm 2014, năm nay ngành y tế cũng đã nỗ lực lớn ngăn chặn sự bùng phát của dịch sởi, trong đó có kết quả không nhỏ từ việc triển khai tiêm vắc xin sởi-rubella miễn phí có quy mô lớn nhất từ trước đến nay cho 23 triệu trẻ em từ 1 đến 14 tuổi trên toàn quốc, thực hiện từ tháng 9/2014 đến tháng 2/2015.

Đổi mới phong cách phục vụ hướng tới sự hài lòng người bệnh

“Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” là một trong những đột phá của ngành y tế sau khi ngành triển khai một loạt các chính sách đồng bộ về đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới cơ chế tài chính, bảo hiểm y tế toàn dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thông qua Đề án giảm tải bệnh viện và Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyển giao kỹ thuật cao cho bệnh viện tuyến dưới.

Bệnh nhân sẽ được đón tiếp, chăm sóc tốt hơn trong thời gian tới. Ảnh: L.Hà/báo Lao động


8 nội dung của “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” là: Tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp giữa nhân viên y tế và người bệnh; thành lập phòng công tác xã hội tại từng bệnh viện; thay đổi trang phục nhân viên y tế; thực hiện tốt đường dây nóng nhằm tăng cường, tiếp nhận và xử lý phản ánh của người bệnh; duy trì, củng cố hòm thư góp ý xử lý các ý kiến phản ánh của người dân; triển khai đề án “Tiếp sức người bệnh”; xây dựng phong cách, thái độ, phục vụ văn minh, thân thiện theo phương châm: “Người bệnh đến niềm nở / Người bệnh ở tận tình / Người bệnh về dặn dò chu đáo”; ký cam kết và thực hiện các nội dung đã cam kết.

Với những nỗ lực không ngừng vì người bệnh, năm 2015 ngành y tế đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phong cách phục vụ nhằm làm hài lòng người bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, chuyển từ "ban ơn" sang phục vụ.

Đến nay, việc ký cam kết và triển khai “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” được nhiều bệnh viện trên cả nước thực hiện, bước đầu đem lại  hiệu quả tích cực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quinvaxem - Chuyện "nóng" của ngành y tế năm 2015

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.