(HNM) - Trong những ngày này, bà con kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới náo nức trở về quê hương để đón Tết cổ truyền cùng gia đình. Mỗi người đều mang theo tâm tư, nguyện vọng riêng, song họ có một điểm chung là luôn hướng về quê hương, mong muốn được đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Anh Nguyễn Khắc Thành, Chủ tịch Hội Người Việt tại TP Petchigo (Nga):
Mong muốn đất nước mình ngày càng giàu đẹp
Tôi sinh sống và làm việc tại Nga từ năm 1986 đến nay. Đã gần 25 năm xa quê nhưng hầu như năm nào tôi cũng về Việt Nam đón Tết cổ truyền. Mỗi lần về, thấy quê nhà phát triển, chúng tôi rất vui. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam, bà con người Việt ở Petchigo thường xuyên theo dõi thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Chúng tôi nhận thấy đây là một Đại hội thành công, với nhiều đổi mới. Đại hội đã đề ra nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới, đặc biệt là đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2020.
Thành phố Petchigo là một trong những nơi có nhiều người Việt sinh sống. Cộng đồng người Việt tại đây chủ yếu sống bằng nghề buôn bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Là những người con xa quê hương, năm nào bà con ta cũng đều tổ chức nhiều hoạt động đón xuân như gói bánh chưng, liên hoan văn nghệ… Đây cũng là dịp để chúng tôi gặp gỡ, chia sẻ và cùng nhau đón Tết cổ truyền.
Chị Bùi Nguyệt, người Việt Nam định cư ở TP Chemnitz (Đức):
Việt Nam có sức hấp dẫn và quyến rũ đặc biệt
Tôi sang Đức sinh sống đã 23 năm. Song, mỗi lần về quê tôi đều thấy đất nước mình phát triển rất nhanh, có sức quyến rũ đặc biệt, như ngọn lửa sưởi ấm lòng người con xa xứ. Mặc dù công việc rất bận nhưng hầu như năm nào tôi cũng về quê ăn Tết. Tôi rất thích chương trình "Xuân quê hương" hằng năm do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức. Đây là nhịp cầu nối tâm tư tình cảm của kiều bào ta ở các nước trên thế giới.
Cộng đồng người Việt ở TP Chemnitz thường xuyên theo dõi những thông tin về mọi mặt của đất nước. Vì có lớp dạy tiếng Việt nên các thế hệ thứ hai, thứ ba nơi thành phố chúng tôi ở đều nói được tiếng Việt. Trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức luôn tổ chức đón Tết cho bà con kiều bào. Mọi người tụ họp rất đông, nói chuyện về ngày Tết, về văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Trở về Việt Nam lần này, ngoài mục đích ăn Tết và thăm họ hàng, tôi cũng muốn tìm hiểu thêm cơ hội đầu tư.
Chị Tăng Thị Mai, người Việt định cư ở TP Viên (Áo):
Tôi mong muốn về Việt Nam đầu tư
Tôi sống ở TP Viên (Áo) đã 15 năm. Dù công việc kinh doanh luôn bận rộn nhưng mấy năm gần đây, năm nào tôi cũng cố gắng về quê ăn Tết. Mỗi lần về Việt Nam, tôi thấy TP Hà Nội của chúng ta phát triển nhanh quá, nhiều nhà cao tầng mọc lên; nhiều tuyến phố thay đổi nhanh đến nỗi tôi không thể nhận ra. Là một doanh nghiệp, tôi luôn mong muốn được đầu tư làm ăn ở đất nước mình.
Mặc dù nằm ở trung tâm châu Âu nhưng Áo vẫn là nước nhỏ. Hiện có khoảng 5.000 người Việt sinh sống tại đây. Là người Việt sống ở nước ngoài, tôi luôn ý thức dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho con mình. Con trai của tôi năm nay 15 tuổi nhưng cháu có thể nói tốt cả 3 thứ tiếng Việt, Anh, Đức. Cháu có tình yêu đặc biệt với Tổ quốc mình. Trên đầu giường, cháu luôn treo ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc. Cháu luôn tự hào vì mình là người Việt Nam và mong muốn học xong được trở về cống hiến cho đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.