(HNM) - Trở về quê hương từ ngày 13 đến 16-9 trong chuyến lưu diễn và chia sẻ kinh nghiệm của Đoàn ballet quốc gia Anh tại Việt Nam, Lê Ngọc Văn (thành viên của Đoàn từ năm 2003) nhận được sự ngưỡng mộ từ phía các nghệ sĩ và học viên các trường múa. Trò chuyện, anh tỏ ra rụt rè - cái kiểu của người nghệ sĩ chuyên nghiệp bấy lâu chỉ biết có múa.
- Xem vở “Vue de l’Autre” của anh và đồng nghiệp diễn, thấy tự hào về người Việt quá. Anh nói rõ hơn về vở này được không?
- Cảm ơn bạn! Tôi dàn dựng “Vue de l’Autre” từ cảm hứng với những bản nhạc Hà Lan. Bạn hẳn sẽ có cảm giác đang nhìn vào một câu chuyện tình yêu. Nhưng thực ra nó rộng hơn nhiều, đó là biến thể của nhiều câu chuyện, nhiều mối quan hệ khác nhau trong xã hội. Khi dàn dựng vở này, tôi khai thác tối đa các kỹ thuật múa như múa đơn, múa đôi, múa tập thể, ballet đương đại, để mang tới một tác phẩm ballet đầy đủ sắc thái.
- Ngoài “Vue de l’Autre”, anh còn biên đạo cho những vở múa nào khác?
- Từ khi gia nhập đoàn, tôi đã biên đạo 7 tiết mục. Ngoài “Vue de l’Autre” còn có “Without word”, “Les emotion”, “Concerto for 5”, “The weight of love”, “Black gold”, “Chase”.
- Để được là thành viên của một đoàn ballet có lịch sử lâu đời và nổi tiếng thế giới, chắc hẳn anh đã khổ công rèn luyện nhiều. Con đường đến với công việc hiện nay của anh như thế nào?
- Tôi theo học ở Trường múa Việt Nam (nay là Trường Cao đẳng múa Việt Nam - PV) tới năm 17 tuổi thì sang Pháp học. Sau 2 năm luyện tập, tôi đến với Đoàn ballet của thành phố Marseille và làm diễn viên ở đó trong 5 năm. Tới năm 2003, tôi được mời sang Đoàn ballet quốc gia Anh làm việc. Để đến được với những đoàn ballet nổi tiếng ấy thì chỉ có cách khổ công rèn luyện. Đối với họ, quan trọng là anh múa như thế nào. Trước họ, tôi chỉ cần múa. Họ không quá coi trọng bằng cấp.
- Lịch làm việc của anh có nặng nhọc lắm không?
- Ở đây chúng tôi có chế độ luyện tập rất nghiêm khắc và chặt chẽ. Nếu không đi diễn, mỗi ngày chúng tôi phải tập tối thiểu 6 tiếng. Một năm đoàn có khoảng gần 150 suất diễn, dày đặc nhất là vào dịp Giáng sinh. Dường như chúng tôi lưu diễn liên miên.
- Vậy thì anh có thời gian nào về thăm gia đình?
- Vẫn có chứ. Năm nào tôi cũng phải về. Thường là vào dịp nghỉ đông, khoảng 2 tuần. Vì thế nên tôi chỉ ở nhà với bố mẹ thôi.
- Trước đây hoặc sau dịp này, anh có ý định về nước để biểu diễn hay dạy múa không?
- Có. Tôi mong muốn được biểu diễn thường xuyên ở Việt Nam. Nhưng chắc không phải trong tương lai gần. Có lẽ tôi sẽ thu xếp về đôi lần gì đó trong một năm để dàn dựng, sáng tác. Nếu được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam hay Trường múa Việt Nam mời, tôi sẵn sàng tham gia. Dù sao đây là quê hương, cái nôi giúp tôi trưởng thành. Tôi muốn về đóng góp cho đất nước.
- Cảm ơn anh!
Đoàn ballet quốc gia Anh là đoàn múa ballet cổ điển nổi tiếng thế giới, với 70 diễn viên là những tài năng được tuyển chọn từ 27 quốc gia. Trong chuyến lưu diễn đầu tiên ở Việt Nam này, đoàn đã có những buổi trao đổi nghiệp vụ với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng múa Việt Nam và Trường Cao đẳng múa TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các nghệ sĩ còn biểu diễn vở "Vue de l'Autre" (Lê Ngọc Văn biên đạo), "Trois Gnossiennes"; trích đoạn "Suite en Blanc" và "Black Swan Pas de Deux" tại Nhà hát Lớn - Hà Nội và Nhà hát Lớn - TP Hồ Chí Minh. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.