Đó là chia sẻ của chú Ba (56 tuổi) - người mở quầy
Những người lao động nghèo có thể chọn cho mình vài chiếc quần, áo tại quầy “Quần áo từ thiện” tại đường Nguyễn Hoàng (Q.2 – TP.HCM) |
Với hàng loạt các nghĩa cử hào hiệp của người Sài Gòn như miễn phí ổ bánh mì, nước trà đá, tiệm sách, bơm vá xe, đổi và tặng mũ bảo hiểm… thì quầy “quần áo từ thiện" của chú Ba như càng tô thêm nét đẹp và sự thân thiện của người Sài Gòn trong nhịp sống xô bồ, ồn ào và náo nhiệt của thành phố công nghiệp này.
Cứ 6h sáng thứ 4 và thứ 7 hằng tuần, vợ chồng chú Ba lại đẩy quầy quần áo từ thiện ra đặt trước cửa hàng kinh doanh về chậu hoa, cây cảnh của mình. Khi tiếp xúc và hỏi chuyện, xin chụp hình, chú Ba từ chối “Chuyện này nhỏ như hạt cát, có gì đâu mà, mình thấy việc tốt cho mọi người thì nên làm”.
Những đồ dùng vẫn còn mới được mọi người đóng góp tại quầy |
Chú Ba quê gốc ở Quế Sơn – Quảng Nam nhưng lớn lên và sinh sống tại Sài Gòn. Sau một lần theo một đoàn từ thiện về vùng sâu xa ở Quảng Nam, chú mang mong muốn được làm gì đó giúp đỡ những người khó khăn hơn mình trong lòng. “Nhìn đất nước ngày càng phát triển cũng mừng, nhưng bà con ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn lắm. Cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn lắm. Nhìn mấy đứa trẻ ở đó, ăn mặc rách rưới, mình nhìn chạnh lòng lắm”, chú Ba tâm sự.
Về lại thành phố, thấy anh chị công nhân, bà bán vé số, bác chạy xe ôm… cuộc sống còn khó khăn, vợ chồng chú Ba quyết định việc mở cái quầy áo này, có thể góp phần giúp được những người lao động nghèo có thể sở hữu một vài bộ quần áo mà họ cần thiết trong cuộc sống.
Khi mới mở quầy quần áo từ thiện, chú Ba lựa chọn trong những bộ quần áo không dùng nữa đem ra quầy. Về sau, tranh thủ các mối quan hệ bạn bè, người thân đóng góp nên “bộ sưu tập” của quầy ngày càng trở nên phong phú, đủ chủng loại, lứa tuổi, màu sắc… Đến nay, quầy quần áo từ thiện được nhiều người biết tới và ủng hộ. Kể cả những người nước ngoài ở các khu chưng cư ở khu vực Thảo Điền (Q.2) cũng tới đóng góp.
Chị Duyên – quê ở Vĩnh Long, làm phụ hồ tại một công trình ở Q.2 tranh thủ kiếm bộ quần áo lao động. |
Quầy quần áo từ thiện của chú Ba thường đông đúc vào buổi sáng. Trên đường đi làm hay tan ca mọi người đi làm về, họ ghé qua quầy này có thể lựa chọn cho mình hoặc người thân một vài cái quần, áo phù hợp với thân hình. Đối tượng chủ yếu là những người lao động nghèo, anh chị công nhân, bà bán vé số, bác chạy xem ôm… có thu nhập thấp. Sau hơn hai tháng mở, quầy “Quần áo từ thiện” ít nhiều cũng mang đến niềm vui mọi người. Chị Duyên quê ở Vĩnh Long lên TP. Hồ Chí Minh làm nghề phụ hồ, đang hí hoáy tìm vài bộ đồ cho mấy đứa trẻ ở nhà, thấy phóng viên hỏi chuyện, cười xởi lởi “cũ người mới ta, có sao đâu, nó còn đẹp lắm”.
Trò chuyện với chú Ba, chú bảo: “Nếu như quầy quần áo từ thiện này được mọi người ủng hộ và nhu cầu lao động nghèo càng nhiều, chú sẽ bỏ ra một ít vốn, xây cái tiệm cho nó đoàng hoàng, rồi trưng bày chúng (quần áo) cho đẹp mắt và sạch sẽ, kết hợp luôn phát bánh mì và trà đá miễn phí".
Chú Ba đang giúp hai vợ chồng mới từ công trường về chọn quần áo. “Có hợp không, nếu không chú vào lấy mấy cái quần jean ra cho mà lựa” |
Nườm nượp người lao động nghèo đến quầy "Quần áo từ thiện" của chú Ba |
Không những chỉ mở quầy quần áo từ thiện tại Sài Gòn, vợ chồng chú Ba cũng là địa chỉ tiếp nhận những đóng góp quần áo từ những người hào hiệp. Tranh thủ về đêm, hai vợ chú Ba lại phân loại, tuyển ra, xếp lại ngay ngắn, đóng thùng và khi liên hệ được đoàn thiện nguyện nào, lại gửi tới vùng sâu vùng xa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.