Do cắt điện luân phiên diễn ra liên tục, người dân đổ đi mua các mặt hàng như quạt tích điện, đèn sạc để phòng lúc bị cúp điện bất thình lình
Buổi tối người dân vẫn đổ đi mua quạt tích điện để đề phòng Ảnh: Xuân Ngọc |
Đầu đường Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) là khu phố chuyên bán quạt Nhật, nhưng trong gần một tuần nay, khu vực này bày bán la liệt các loại quạt tích điện Trung Quốc. Chị Thanh, chủ cửa hàng số 40 Nguyễn Lương Bằng cho biết: năm nay quạt tích điện bán chạy hơn hẳn do khách có nhu cầu lớn trong những ngày mất điện. Những ngày cao điểm, cửa hàng bán được vài chục chiếc.
Đứng chọn một chiếc quạt sạc pin, anh Thanh (tập thể Kim Liên) chia sẻ: “Mất điện, người lớn còn chịu được, chứ trẻ con thì không thể chơi hay ngủ được. Nhà tôi phải sắm 2 chiếc quạt tích điện, sạc đầy pin, hôm nào mất điện thì bật cho các cháu cả ngày”.
Giá các loại quạt tích điện hiện đang bày bán phổ biến trên thị trường từ 400.000 đến 1.350.000 đồng một chiếc, tương ứng với số giờ sử dụng từ một đến 12 tiếng với loại có 2 ắc quy, bảo hành từ 3 tháng đến 2 năm. Theo thông tin từ những người bán hàng, khách sử dụng quạt từ 6 tháng đến một năm sẽ phải thay bình ắc quy một lần, với giá 130.000 đồng. Bên cạnh chức năng tích điện, những chiếc quạt này còn có thêm nhiều tính năng như đèn chiếu sáng, báo thức.
Tại các siêu thị điện máy lớn, các loại quạt tích điện hiện chưa có nhiều. Anh Vũ Trọng Phú, nhân viên bán hàng ở một siêu thị điện máy có tiếng tại Hà Nội cho biết: “Hầu hết các loại quạt sạc pin trên thị trường là hàng Trung Quốc. Các siêu thị lại luôn đặt tiêu chí chất lượng và uy tín lên hàng đầu nên mặt hàng này chưa được nhập về nhiều”.
Trong khi quạt tích điện có nguồn gốc Trung Quốc là chủ yếu thì các loại đèn tích điện được bày bán đa phần được sản xuất tại Việt Nam hay các nước Đông Nam Á với các hãng Lioa, Philips, Panasonic… Giá bán dao động từ 250.000 đến 800.000 đồng, tương ứng với khả năng tích điện từ 3 đến 7 tiếng, bảo hành từ 3 đến 6 tháng.
Mẫu mã của các loại đèn này cũng rất phong phú: dạng đèn tuýp ống, đèn măng sông, đèn cầm tay với bóng huỳnh quang hoặc bóng đèn Led. Các loại đèn này cũng được tích hợp nhiều chức năng như đèn ngủ, đèn pin, radio…
Ngoài ra, để tránh những rắc rối nơi văn phòng khi đột ngột mất điện, trên thị trường còn bán các bộ lưu điện với giá từ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng bộ. Anh Thụy, một người kinh doanh mặt hàng này cho biết: “Một bộ lưu điện có thể cấp điện cho máy tính một ngày, cấp điện cho cửa cuốn 2 ngày, tương ứng với 15 lần đóng, mở”.
Với các thiết bị tích điện này, anh Nguyễn Đức Dũng, kỹ sư điện đưa ra lời khuyên: “Sản phẩm có bền hay không phụ thuộc nhiều vào bộ ắc quy do người sử dụng. Khi mua sản phẩm về, người tiêu dùng nên sạc trong vòng 15 giờ trước khi bắt đầu dùng. Sau mỗi lần sử dụng thì nên sạc đầy và chỉ sạc lại khi gần hết điện. Khi ắc quy đầy, cần rút sạc điện để tránh tình trạng chai bình”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.