Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quanh chuyện “đường ai nấy đi”

Chí Kiên| 30/06/2012 06:41

(HNM) - Kết quả xét xử 6 tháng đầu năm cho thấy, án ly hôn ở Hà Nội có số lượng áp đảo những vụ hòa giải thành công, nhất là ở khu vực nội thành. Nhận xét về hiện tượng này, một thẩm phán TAND TP Hà Nội cho rằng, xã hội càng hiện đại thì đức tính cam chịu, sự hy sinh đời sống cá nhân của người phụ nữ càng giảm.


Qua các vụ chia ly, nổi lên hai xu hướng đáng chú ý: Phần lớn các vụ ly hôn do chị em chủ động đứng đơn; mặt khác tỷ lệ ly hôn của những người trẻ chiếm quá nửa lượng án ly hôn mà các tòa thụ lý. Mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly hôn. Các yếu tố tiếp theo là ngoại tình, kinh tế, bạo lực gia đình, sức khỏe kém và do xa nhau lâu ngày. Điều đáng buồn là hầu hết số vụ ly hôn thuộc về các gia đình mới kết hôn từ 1-5 năm và hầu hết đã có con. Họ thừa kiến thức xã hội nhưng thiếu kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, cộng thêm cá tính mạnh nên cứ đụng chuyện là "xù lông nhím", sẵn sàng "anh đường anh, tôi đường tôi".

Trong số các vụ TAND các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa thụ lý, khá nhiều trường hợp vợ chồng ly hôn là con một trong gia đình. Những người này khi chưa kết hôn luôn được người thân đặt ở vị trí trung tâm, được chiều chuộng nên thiếu sự chịu đựng, lòng vị tha. Khi hôn nhân không như mong đợi, họ ít ngồi nói chuyện bình tĩnh mà vội vã chia tay để tìm hạnh phúc mới. Ngoài ra, một bộ phận tầng lớp phụ nữ trí thức ngày nay có xu hướng thích sống độc thân cho thoải mái, không coi trọng gia đình bằng sự nghiệp. Ở một góc nhìn khác, tại huyện Từ Liêm, có đôi trẻ đã chung sống trước hôn nhân, thậm chí phải cưới gấp khi cô gái mang thai. Chính vì thế, họ thiếu kỹ năng chung sống, kỹ năng làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Việc bắt buộc phải làm quen với cuộc sống mới, phải đảm đương trọng trách con dâu, con rể, lo toan cho gia đình, cho con cái trở thành gánh nặng quá sức với những thanh niên chưa được chuẩn bị kỹ về mặt tâm lý. Khi "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", họ chỉ nghĩ đến cái tôi cá nhân để ly hôn mà không hình dung hết hậu quả xấu con cái phải gánh chịu.

Trong khi đó, theo thống kê của TAND tối cao, ly hôn thường kéo theo hệ lụy là trẻ vị thành niên thiếu đi bàn tay chăm sóc của cha hoặc mẹ khiến các em phát triển không toàn diện, nhiều em phải bươn chải kiếm sống, bỏ bê học hành. Không ít em bị ảnh hưởng bởi những điều không tốt đẹp từ mâu thuẫn của cha mẹ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, trở thành những trẻ em hư, sớm mắc vào các tệ nạn xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quanh chuyện “đường ai nấy đi”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.