Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quảng Nam: 'Mức độ tàn phá rừng pơmu là 'khủng khiếp'

Theo Lao động| 25/08/2016 19:38

Hồi 15 giờ, chiều 25.8, Công an tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp báo công bố chính thức diễn biến vụ án phá rừng gỗ quý pơmu lớn nhất từ trước đến nay tại huyện Nam Giang, được phát hiện vào giữa tháng 7.2016.


Bắt giữ 9 đối tượng, chưa phát hiện bảo kê!

Thay mặt lãnh đạo công an tỉnh Quảng Nam - Đại tá Huỳnh Sông Thu báo cáo kết quả điều tra vụ việc:

Qua thời gian dài lập chuyên án để điều tra vụ việc, cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt nhiều đối tượng từ nhiều tỉnh thành trong nước liên quan trực tiếp đến vụ án phá rừng pơmu nghiêm trọng vừa qua.

Theo đó, đối tượng bị bắt giữ đầu tiên vào ngày 26.7. Có 9 đối tượng bị khởi tố và bắt tạm giam, nhiều đối tượng cho tại ngoại, có đối tượng vẫn đang lẩn trốn. Trong đó, có đối tượng quan trọng là Nguyễn Văn Quang, người tổ chức thuê nhóm vận chuyển khai thác gỗ.

Đến nay đã bắt khẩn cấp 4 đối tượng, trong đó đối tượng Nguyễn Văn Thắng (trú xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) là trưởng nhóm khai thác gỗ; Nguyễn Văn Sanh (trú xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) là trưởng nhóm vận chuyển gỗ; Nguyễn Văn Quang (trú xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) là đối tượng tổ chức gọi các nhóm khai thác và vận chuyển gỗ cũng như cung cấp lương thực thực phẩm. Đặc biệt, đối tượng Tiêu Hồng Tư (trú tại P.Hoàng Liệt, Hoàng Mai, TP. Hà Nội) là người đã cung cấp tài chính cho Quang để trả tiền khai thác vận chuyển.

Đồng thời còn 4 đối tượng trong nhóm khai thác gỗ đã ra đầu thú. Ngoài ra còn có 11 đối tượng tham gia vận chuyển gỗ hiện đang bỏ trốn.

Đại tá Nguyễn Viết Lợi tại buổi họp báo.


Về 4 cán bộ đã bị đình chỉ công việc để phục vụ công tác điều tra, Đại tá Nguyễn Viết Lợi - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết cơ quan cảnh sát điều tra hiện chưa rõ. Đại tá Nguyễn Viết Lợi cho biết, đến giờ phút này không có tài liệu chứng cứ chứng minh các cán bộ từ các cơ quan chức năng đã bị đình chỉ, bảo kê, tiếp tay cho vụ việc.

Liên quan đến số gỗ phát hiện và thu giữ nằm xung quanh khu vực biên phòng, hải quan có phải số gỗ pơmu nằm trong vụ án phá rừng này hay không, Đại tá Lợi thông tin hiện vẫn đang chờ kết quả giám định của cơ quan chức năng. Khi nào có kết luận trưng cầu giám định thì cơ quan điều tra mới tiếp tục thông tin thêm.

Đại tá Lợi thông tin thêm, ngày 19.8, cơ quan điều tra bắt được đối tượng Tiêu Hồng Tư tại sân bay Đà Nẵng. Hiện tại, các đối tượng chưa khai ra thông tin gì liên quan đến các cán bộ hải quan, biên phòng nên chưa thể thông tin được gì.

Hiện còn nhiều vấn đề, cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm rõ.

Rừng pơmu bị triệt hạ quy mô lớn

Trước đó trong khoảng thời gian từ đầu đến giữa tháng 7, Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với các lực lượng đã phát hiện một diện tích rừng pơmu lớn trên địa bàn xã La Dêê (huyện Nam Giang, Quảng Nam) bị tàn phá nghiêm trọng.

Gỗ pơmu được cưa thành phách bị thu giữ trong vụ án.


Tại hiện trường, các cơ quan chức năng ghi nhận, còn khoảng 5m3 gỗ phách được xẻ theo quy cách. Các đối tượng đã chặt phá hai khoảng rừng lớn để khai thác pơmu, với số gốc kiểm đếm được khoảng 60 cây. Vẫn còn nhiều cành, ngọn pơmu bị chặt phá nằm ngổn ngang trong rừng.

Trước đó, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm phách gỗ xẻ theo quy cách, có chiều dài 2,1 - 2,2m và đưa về niêm phong tại Trạm kiểm lâm địa bàn Chà Vài. Toàn bộ số gỗ được tạm giữ trên là gỗ pơmu quý hiếm thuộc nhóm 2A, đường kính các gốc gỗ pơmu này có kích thước từ 40cm trở lên, có những gốc lớn nhất đường kính lên đến 80cm.

Trung tá Hà Thế Xuyên – Phó Trưởng Công an huyện Nam Giang - cho hay, mức độ tàn phá rừng pơmu của các đối tượng là “khủng khiếp”. “Qua khám nghiệm hiện trường, chúng tôi nhận thấy vụ việc khá nghiêm trọng, cần thiết phải khẩn trương điều tra, xác minh. Hiện nay lực lượng công an và kiểm lâm đang tập trung lực lượng làm rõ vụ việc trong thời gian sớm nhất”, trung tá Hà Thế Xuyên nhấn mạnh.

Trước đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung cùng lực lượng công an huyện Nam Giang đã phối hợp kiểm đếm, điều tra vụ phá rừng tại khu vực gần cột mốc 717, giáp ranh với biên giới Lào. Bước đầu, đã có 280 phách gỗ pơmu với tổng khối lượng khoảng 28m3 được cơ quan chức năng tạm giữ.

Ước ban đầu, số gỗ pơmu bị khai thác trái phép trong vụ án này hơn 30m3. Cơ quan Công an còn phát hiện trong khuôn viên của Chi cục Hải Quan cửa khẩu Nam Giang Nam Giang có 7,7m3 gỗ có cả gỗ pơmu và dổi, trong đó có hơn 6m3 gỗ pơmu.

Khu vực rừng pơmu bị triệt hạ nằm ở khoảnh 10, tiểu khu 351, gần cột mốc biên giới 717. Số gỗ này sau khi bị triệt hạ đã được xẻ thành phách theo quy cách và được vận chuyển tập kết về khoảnh 5 tiểu khu 351. 280 phách gỗ xẻ theo quy cách đang được vận chuyển ra khu vực gần đường để cất giấu thì bị người dân địa phương phát hiện, báo cho cơ quan chức năng thu giữ.

Điều đáng nói, số gỗ được tập kết trong rừng và địa điểm phá rừng đều nằm cách Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang không xa. Cơ quan chức năng xác định, bước đầu chưa có dấu hiệu tẩu tán bớt số gỗ tang vật.

Thượng tá Nguyễn Tấn Lạc - Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu Nam Giang - cho hay, sau khi phát hiện vụ việc, đồn biên phòng đã phối hợp với các lực lượng kiểm lâm, công an địa bàn kiểm tra làm rõ.

Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - cho hay, đã có văn bản chỉ đạo các lực lượng tham gia điều tra vụ việc. Riêng Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã cử Chi cục Phó cùng cán bộ các phòng, ban liên quan đến hiện trường.

Trong quá trình xử lý, Cục Hải quan Quảng Nam đã đình chỉ công tác một cán bộ hải quan. Đặc biệt Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo chính quyền tỉnh Quảng Nam làm rõ vụ án này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: 'Mức độ tàn phá rừng pơmu là 'khủng khiếp'

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.