Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, đến ngày 24-10, toàn tỉnh cơ bản đã hết các nhà bị ngập trong lũ lụt.
Các tuyến đường giao thông đã thông thoáng, không có xã bị cô lập hay chia cắt. Công tác khắc phục hậu quả sau lũ lụt đang diễn ra trên toàn tỉnh. Cùng với đó, công tác hỗ trợ, cứu trợ lương thực, thực phẩm… cũng được các đơn vị, tập thể, cá nhân đưa đến người dân. Quảng Bình đang gấp rút khắc phục hậu quả sau lũ và chuẩn bị các phương án ứng phó với bão số 8 sắp tới.
Về tình hình thiệt hại, toàn Quảng Bình có 14 người tử vong, 3 người mất tích, 95 người bị thương; 109.254 nhà bị ngập; 13 nhà bị sập, 5 nhà bị ảnh hưởng sạt lở đất ở Thạch Hóa, 1 nhà ở thôn Yên Tố, xã Phong Hóa bị bốc cháy khi nấu ăn; hàng chục nhà dân có nguy cơ sập do sạt lở, xói mòn cần di dời khẩn cấp.
Tại các huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy nước đã rút, các hộ dân dời đi trong lũ giờ đã trở về để dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống. Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, vấn đề sau lũ rất phức tạp, trước mắt cần có điện và triển khai đồng bộ các vấn đề vệ sinh để tránh xảy ra bệnh tật sau lũ. Chính quyền đã huy động toàn bộ các đơn vị cùng chung tay với người dân khắc phục hậu quả nặng nề sau lũ.
Tại các huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn, cơ bản người dân đã dọn dẹp xong nhà cửa và ổn định cuộc sống.
Tại xã vùng cao Tuyên Hóa, các xã bị cô lập trong lũ như Ngư Hóa, Đức Hóa…, đường giao thông đã thông suốt và đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, nhiều hộ dân đang đứng trước nguy cơ sập nhà do sạt lở. Khu vực núi Ba Cồn (thôn Đạm Thủy 2, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) xuất hiện vết nứt lớn, gây sạt lở lớn, khiến 1 nhà dân bị sập, hàng chục nhà khác bị nứt toác, gây thiệt hại lớn cho người dân. Gần 20 hộ dân nơi đây đang rất hoang mang và lo lắng. Chính quyền địa phương đã lên phương án di dời khẩn cấp 20 hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm.
Ông Lê Công Hữu, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa cho biết, trước thực trạng trên, Huyện ủy, UBND huyện Tuyên Hóa đã huy động các lực lượng tới để giúp dân dỡ nhà và di dời khẩn cấp. Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa cũng đã chỉ đạo các đơn vị cần sớm có phương án, tìm khu vực thích hợp để người dân tái định cư, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, giúp người dân yên tâm sinh hoạt và phát triển kinh tế.
Tại vùng rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa nước đã rút, người dân nơi đây đang gấp rút dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống. Theo ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, trong lũ, nhà của hơn 700 hộ dân nơi đây bị ngập hoàn toàn, chìm trong nước lũ. Đến chiều 23-10, nước cơ bản đã rút hết. Hiện nay, các đoàn cứu trợ bắt đầu tiếp cận với các thôn trong xã để cứu trợ cho bà con. Ông Duẫn chia sẻ, do có kinh nghiệm sống chung với lũ nên người dân không bị thiệt hại lớn về tài sản.
Đặc biệt, tuyến quốc lộ 12A đoạn gần cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã bị sụp đổ, nứt toác và vùi lấp. Hiện nay, Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) cùng với Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình đang điều động hàng chục phương tiện xe, máy công trình để khẩn trương khắc phục hậu quả. Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình cho biết, trước mắt sẽ làm một đường tạm cho các phương tiện giao thông dưới 10 tấn qua lại. Sau đó mới tính đến việc sửa chữa, làm đường cho xe trọng tải lớn…
Đến sáng 24-10, ngành điện tỉnh Quảng Bình đang gấp rút khắc phục hậu quả lũ lụt để sớm đóng điện cho người dân. Hiện nay, ngành đã cấp điện gần 90% khách hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Phấn đầu trong ngày 24-10, sẽ đóng điện toàn bộ các điểm an toàn cho người dân ổn định sinh hoạt. Riêng các điểm bị gãy đổ, hư hỏng nặng, chia cắt, ngành điện tỉnh Quảng Bình sẽ có phương án khắc phục sớm nhất để đóng điện trở lại.
Hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp đang gấp rút tập trung cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng; cứu trợ lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm cho nhân dân trong vùng bị lũ lụt, những nơi bị chia cắt cô lập, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Mặt khác, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và lực lượng vũ trang cũng đang tích cực giúp người dân sửa chữa lại nhà ở, khắc phục hậu quả mưa lũ bằng những công việc cụ thể để sớm ổn định tình hình đời sống và phát triển sản xuất cũng như khẩn cấp triển khai các phương án ứng phó với bão số 8, bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.