(HNM) - Những ngày qua, câu chuyện tìm đại sứ cho ngành du lịch đã khiến báo chí tốn không ít giấy mực. Ngẫm cho cùng, một đại sứ khó có thể khiến công tác quảng bá du lịch Việt Nam, vốn còn nhiều hạn chế, sẽ đạt hiệu quả hơn chưa nói tới chuyện tạo ra sức mạnh lay chuyển những bật cập, yếu kém vốn tồn tại lâu nay.
Cần hơn một đại sứ
Quảng bá du lịch bắt đầu được quan tâm nhiều hơn trong những năm gần đây. Chức danh đại sứ du lịch cũng bắt đầu được nhìn nhận như "cầu nối" mang hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với thế giới. Thế nhưng, khi có chức danh đại sứ thì công tác quảng bá thương hiệu du lịch chưa có dấu hiệu biến chuyển, nói đúng hơn vẫn chỉ "giậm chân tại chỗ".
Sau khi nữ diễn viên Lý Nhã Kỳ "đăng quang", trở thành đại sứ đầu tiên của du lịch Việt Nam, hay kể cả trong thời điểm ngành này đôn đáo tìm người kế nhiệm, công tác xúc tiến du lịch vẫn chủ yếu dựa vào hai hình thức truyền thống, đó là: Tham gia các hội chợ quốc tế về du lịch tổ chức thường niên ở nước ngoài… hay phối hợp với các cơ quan quản lý về du lịch của các nước tổ chức các sự kiện như Ngày Việt Nam ở Pháp, Ngày Việt Nam ở Mỹ hoặc tận dụng các hoạt động khác về văn hóa, ngoại giao…
Đại diện nhiều đơn vị lữ hành bày tỏ quan điểm, sau bao nhiêu năm làm công tác xúc tiến, vẫn chỉ thấy ngành du lịch đi theo một lối mòn, loanh quanh ở việc in tờ rơi, tập gấp để phát hoặc trưng bày một số đặc sản tại các hội chợ, hội nghị thương mại, du lịch ở nước ngoài. Chúng ta vẫn định hướng thị trường, quảng bá theo kiểu chung chung với cách thức nghèo nàn cả về sản phẩm và nội dung nên chẳng có tác dụng nhiều để "kéo khách đến nhà". Kể cả khi tìm được đại sứ, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch vẫn thiếu đủ thứ, từ kinh phí, chiến lược rõ ràng đến sản phẩm đặc trưng, cũng như người cầm trịch có tầm và có tâm... Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Phạm Trung Lương khi bàn về vấn đề này cũng cho rằng, hiện chúng ta vẫn chưa có một chiến lược quảng bá hoàn chỉnh. Chính vì vậy, hoạt động này thiếu tính chuyên nghiệp, chưa xác định được nhu cầu của khách du lịch ở các thị trường khác nhau và chưa có đầy đủ các kênh thông tin quảng bá tới người dân các nước. Qua một số nghiên cứu, có thể thấy 70% thông tin về du lịch của Việt Nam hiện nay là truyền miệng.
Bài học từ láng giềng
Thử nhìn sang "hàng xóm", thắng cảnh Thái Lan, Malaysia và Singapore không thật nổi trội để tạo nên sức hút. Tổng số các di sản thế giới ba nước này cộng lại cũng chưa bằng một nửa mà Việt Nam đang sở hữu. Thế nhưng, họ đã đón được lượng khách gấp 10 lần nước ta. Đơn cử, năm 2012, khi tình hình kinh tế khó khăn, ngành du lịch Việt Nam phấn khởi thu hút hơn 6 triệu lượt du khách nước ngoài thì Malaysia dẫn đầu khu vực với việc đón gần 28 triệu lượt khách quốc tế, Thái Lan về nhì với hơn 23,5 triệu lượt, tiếp đến là Singapore đón hơn 12 triệu lượt khách. Các nước "láng giềng" không coi trọng vấn đề bình chọn đại sứ du lịch mà hướng đến việc giáo dục mỗi người dân phải là "một đại sứ du lịch".
Đại diện một doanh nghiệp lữ hành kể rằng, cách đây hai tháng, khi tham gia lễ hội quảng bá "Năm Du lịch Malaysia 2014" tại sân vận động quốc gia Bukit Jalil (ở Kuala Lumpur), anh đã thực sự bất ngờ khi người Malaysia chuẩn bị cho kế hoạch này trước cả năm. Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã kêu gọi giới trẻ là "mỗi người trở thành một đại sứ" và nhắc đến mục tiêu đạt 28 triệu lượt khách quốc tế. "Không chỉ quảng bá ở thị trường các nước, Malaysia chú trọng những chiến dịch quảng bá trong nước và cho người dân thấy những lợi ích to lớn mà ngành "công nghiệp không khói" mang lại cho nền kinh tế, giúp xóa đói, giảm nghèo và tạo nhiều việc làm. Từ đó, người dân sẽ thấu hiểu và tham gia một cách tích cực. Điều đó lý giải vì sao đất nước này lại giành được ngôi vị Quán quân du lịch ASEAN.
Giám đốc Tiếp thị Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist Đoàn Thị Thanh Trà cho rằng, để cùng chung tay quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện đến với du khách quốc tế thì bất kỳ ai, từ chính trị gia cho đến người quét rác cũng có thể trở thành đại sứ du lịch. Một người tự nguyện nhặt rác hằng ngày để bãi biển, thành phố sạch hơn, một người lái taxi sẵn sàng phục vụ với nụ cười vui vẻ, người bán hàng thân thiện, cởi mở làm hài lòng du khách… đều xứng đáng trở thành đại sứ du lịch.
Thay vì "đau đầu", tốn thời gian, công sức đi tìm một đại sứ, ngành du lịch nên phát động chiến dịch "Mỗi người dân hãy là một đại sứ du lịch" để nâng cao ý thức của từng người. Nếu mỗi người dân đều nghĩ rằng đang làm công việc của một đại sứ, họ sẽ ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, không tự ý tăng giá, "chặt chém", đeo bám du khách…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.