(HNM) - Từ tháng 3 năm nay, Tổng cục Du lịch (TCDL) và các doanh nghiệp lữ hành bắt đầu bước vào mùa xúc tiến, quảng bá bằng biểu tượng (logo) và tiêu đề (slogan) mới để thu hút du khách đến Việt Nam.
Trước luồng dư luận đủ cả khen, chê về biểu tượng mới của ngành, người trong nghề cho rằng, để công tác quảng bá đạt hiệu quả thì việc có một logo tốt vẫn chưa đủ, điều quan trọng là phải biết quảng bá đúng cách.
Triển khai sử dụng logo mới
Dù đã qua không ít lần thay đổi nhưng logo mới hình hoa sen cách điệu với 5 cánh màu và slogan "Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận" - "Vietnam - timeless Charm" lại bị chính du khách và các hãng lữ hành nhận xét là quá chung chung, thiếu sáng tạo, không toát lên được sự khác biệt cũng như nét đặc trưng và vẻ đẹp tiềm năng của du lịch Việt Nam. Chính vì vậy, từ cuối năm 2011 cho đến nay, không ít doanh nghiệp du lịch vẫn "nấn ná", sử dụng biểu tượng cũ vì không thật sự vừa ý với logo và slogan mới.
Theo đại diện Công ty Lữ hành Hanoitourist, biểu tượng mới khá chung chung, còn tiêu đề thì mơ hồ, nhìn vào thật khó liên tưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Do đó, khi sử dụng logo này trên các ấn phẩm quảng bá sẽ cần phải đăng thêm lời chú thích để tôn ý nghĩa lên.
Trước những nhận xét trái chiều, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng TCDL cho rằng, đứng trước một sự việc, mỗi người có thể có quan điểm, sự nhìn nhận và cách đánh giá khác nhau. Đối với logo và slogan mới cũng vậy, việc khen, chê là hết sức bình thường. Điều đáng bàn hiện nay là việc triển khai chiến lược marketing thương hiệu bài bản và việc sử dụng khoản ngân sách dành cho chương trình xúc tiến làm sao để chiến lược quảng bá đạt hiệu quả. "Logo là thương hiệu của quốc gia, vì vậy, khi tham gia bất kỳ chương trình quảng bá, xúc tiến nào của TCDL, các doanh nghiệp lữ hành bắt buộc phải sử dụng logo và slogan mới, từ việc in danh thiếp cho đến xuất bản ấn phẩm. Nếu doanh nghiệp không sử dụng logo của ngành thì sẽ bị loại, coi như đứng ngoài cuộc", ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Nhắm đúng nhu cầu
Sau khi nhận được hướng dẫn sử dụng biểu tượng và tiêu đề mới của TCDL, Công ty Du lịch Vietravel đã lập tức cho in logo mới theo đúng chuẩn quy định trên các ấn phẩm quảng bá và hai ấn phẩm nội bộ. Ngay tại Hội chợ ITB Berlin 2012 (Đức - diễn ra từ ngày 7 đến 11-3), hình ảnh du lịch Việt Nam thông qua logo mới đã được Vietravel gửi đến bạn bè quốc tế.
Việt Nam cần khai thác và quảng bá nhiều hơn nữa các thế mạnh du lịch. Ảnh: Thu Giang |
Đánh giá công tác xúc tiến, quảng bá du lịch với biểu tượng mới, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Du lịch Vietravel cho biết, logo chỉ là yếu tố nhận diện, như một lời mời chào đầu tiên để đưa du khách tiếp cận với du lịch nước ta. Do đó, với công tác quảng bá du lịch, nếu chỉ dựa vào một logo đẹp, một slogan hấp dẫn thôi thì chưa đủ. Những năm qua, ngành du lịch đã quan tâm nhiều hơn tới hoạt động quảng bá nhưng kết quả vẫn còn rất khiêm tốn, có lẽ là bởi cách làm lâu nay chưa phù hợp, ví dụ như bê nguyên chương trình quảng bá dành cho thị trường này áp dụng cho thị trường khác, dùng cách thức quảng bá ở Trung Quốc, Thái Lan áp dụng cho thị trường Châu Âu, sản phẩm dành cho khách Nhật Bản cũng như cho khách Hàn Quốc... Trong thực tế, các chương trình quảng bá cho từng thị trường phải có sự khác nhất định, bởi nhu cầu, đặc tính ở mỗi nơi là không giống nhau. Hiện nay, Vietravel đang đầu tư quảng bá mạnh ở một số thị trường trọng điểm như Đông Nam Á, Châu Âu, Đức, Ấn Độ… Đối với từng thị trường, doanh nghiệp này có phương án tiếp cận riêng.
Cũng trong tháng 3 này, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist liên tục tham dự Hội chợ ITB tại Đức, MITT tại Nga, UITT tại Ukraine, Cruise Shipping Miami tại Mỹ, MAP tại Pháp... Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Trưởng phòng Tiếp thị Saigontourist cho biết, mỗi thị trường, du khách có nhu cầu, thị hiếu riêng nên chiến lược quảng bá cũng phải khác nhau thì mới mong có hiệu quả. Đơn cử như du khách Pháp, Đức đến Việt Nam theo tour liên tuyến, xuyên Việt dài ngày (từ 14-18 ngày) với nhu cầu khám phá di sản văn hóa kết hợp nghỉ dưỡng; du khách Nhật chủ yếu theo dạng du lịch MICE (hội thảo, hội nghị)...
Kinh nghiệm từ láng giềng
Bên cạnh công tác quảng bá, điều quan trọng làm nên sức hấp dẫn của mỗi điểm đến chính là chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng, sản phẩm, tour - tuyến…
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, từ nhiều năm nay, ngành du lịch Thái Lan đã "đổ bộ" vào nước ta rất hiệu quả. Tại nhiều doanh nghiệp lữ hành nước ta, lượng khách đăng ký tour Thái Lan luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng lượng khách xuất ngoại. Nhờ sản phẩm đa dạng, chất lượng bảo đảm và chính sách ưu đãi hợp lý, ngành "công nghiệp không khói" của nước này luôn đáp ứng yêu cầu mà du khách đề ra. Trong thực tế, cứ vào trung tuần tháng 4 hằng năm là tại Lào, Campuchia, Myanmar… đều diễn ra lễ hội té nước cổ truyền, thế nhưng chỉ có lễ hội ở Thái Lan được đánh giá là một trong những lễ hội thu hút đông du khách nhất thế giới. "Nhiều nước trong khu vực rất thành công khi đưa lễ hội vào phát triển du lịch. Còn Việt Nam, sở hữu mỏ vàng hơn 8.000 lễ hội nhưng lại chưa biết sử dụng nguồn vốn quý giá ấy để hỗ trợ cho việc quảng bá du lịch. Đây là vấn đề mà ngành du lịch nên chú ý", ông Nguyễn Minh Mẫn nói.
Rõ ràng là nếu chỉ dựa vào một logo đẹp nhưng chất lượng và sản phẩm dịch vụ hay ý thức của người làm du lịch kém thì không thể kéo khách đến nhà. Sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam có đến được đầy đủ với du khách nước ngoài hay không, không chỉ phụ thuộc vào chất lượng mẫu logo và slogan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.