(HNM) - Là địa phương có quy mô học sinh lớn nhất cả nước với 1,8 triệu học sinh, năm học 2017-2018, bên cạnh mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học, ngành Giáo dục Thủ đô xác định việc bảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tất cả các cơ sở giáo dục. Đây được coi là nền tảng để học sinh được bảo đảm sức khỏe, từ đó nỗ lực để học tập và rèn luyện.
Quy mô lớn
Báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đánh giá, công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh đã được thực hiện tốt, góp phần tích cực trong việc triển khai nhiệm vụ dạy và học của các nhà trường. Kết quả này có được từ những nỗ lực của mỗi đơn vị trường học và cả sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc ngăn ngừa hiệu quả dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học. Với những nỗ lực trong việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh, nhiều năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội luôn được Bộ ghi nhận, đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.
Bảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tất cả các cơ sở giáo dục. Ảnh: Long Quyên |
Nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các trường học, hằng năm Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế xây dựng, triển khai kế hoạch tăng cường, bảo đảm an toàn thực phẩm tại trường học, trong đó xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của hai ngành và chính quyền địa phương trong việc huy động các nguồn lực và điều kiện cần thiết để thực hiện mục tiêu bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho việc chăm sóc sức khỏe học sinh.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ - một trong những đơn vị có quy mô học sinh lớn và có nhiều trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú tại trường cho biết, một trong những giải pháp của Tây Hồ là tăng cường kiểm tra, giám sát, không chỉ với các nhà trường mà còn cả với các cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh. Ngoài ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận thường xuyên kiểm tra đột xuất tại các trường học về việc chấp hành các quy định an toàn thực phẩm trong khâu giao - nhận; chế biến, bảo quản thực phẩm; chất lượng, nguồn gốc thực phẩm, nước uống đóng chai…
Năm học 2017-2018, Hà Nội có gần 1 nghìn trường mầm non, gần 700 trường tiểu học tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Trong số này có gần 1.100 trường học tự tổ chức nấu ăn, số còn lại thuê đơn vị cung cấp suất ăn cho nhà trường phục vụ học sinh. Ngoài ra còn có hàng trăm căng tin trong các trường THCS, THPT bán thực phẩm, tổ chức dịch vụ ăn, uống phục vụ học sinh.
Trách nhiệm tăng
Ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận định, quy mô giáo dục lớn là một thách thức không nhỏ đối với cơ quan quản lý trong việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các nhà trường. Ngay từ đầu năm học, lãnh đạo ngành xác định việc bảo đảm an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là nền tảng để học sinh yên tâm học tập, rèn luyện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn ngành. Kế hoạch triển khai công tác an toàn thực phẩm của ngành đặt mục tiêu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đồng thời nâng cao nhận thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm của cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và những người trực tiếp tham gia chế biến, cung ứng, giao - nhận thực phẩm trong trường học.
Trong các cấp học, giáo dục mầm non có quy mô lớn nhất, với gần 1 nghìn trường mầm non, 17 nghìn nhóm lớp, tổng số trẻ đang được chăm sóc tại các cơ sở là hơn 500 nghìn bé. Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, với đặc thù hầu hết số trẻ đều được nuôi dưỡng tại trường, nếu không tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm thì nguy cơ xảy ra ngộ độc rất lớn. Trong bối cảnh số lượng trẻ ra lớp năm sau cao hơn năm trước, điều kiện kinh tế - xã hội một số nơi còn hạn chế, giá bữa ăn có nơi chỉ 13 - 15 nghìn đồng/bữa/trẻ, việc bảo đảm an toàn thực phẩm càng cần được lưu tâm. Lãnh đạo ngành chỉ đạo 100% trường học, nhóm lớp tuân thủ tuyệt đối các quy định về an toàn thực phẩm, không chủ quan ở bất cứ khâu nào. Một trong những yêu cầu bắt buộc với các đơn vị là không vì số tiền ăn còn hạn chế mà sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc quá hạn sử dụng.
Thực tế cho thấy, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn cần sự vào cuộc có trách nhiệm của nhiều lực lượng ngoài nhà trường. Đơn cử, trong quá trình kiểm nghiệm thực phẩm tại các trường học cần có sự hỗ trợ của đơn vị chuyên môn về thiết bị, nhân lực; việc kiểm tra, giám sát sự tuân thủ của các trường học về an toàn thực phẩm không thể chính xác nếu chỉ nhìn bằng mắt thường; nhà trường cũng không thể kiểm soát được chất lượng các hàng quán bán thực phẩm xung quanh khu vực trường học, cũng không thể kiểm soát được việc học sinh có sử dụng thực phẩm không an toàn bên ngoài nhà trường hay không… Rõ ràng, việc này đòi hỏi sự quan tâm của phụ huynh về nhận thức để giáo dục, nhắc nhở con em biết tự bảo vệ bằng cách tập thói quen sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không nên mua đồ ăn, thức uống tại các quán hàng rong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.