(HNM) - Sau
- Anh có thể chia sẻ đôi điều về bộ phim "Cuộc đời của Yến" cũng như lý do đưa anh đến với dự án phim này?
- Lấy bối cảnh một làng quê Bắc Bộ từ giữa thế kỷ trước, phim bắt đầu khi Yến, một cô bé nông thôn xinh xắn, phải về nhà chồng khi mới 10 tuổi. Kể từ đó, cuộc đời cô gắn liền với những thăng trầm của gia đình nhà chồng, gắn liền với Hạnh - người chồng kém cô 1 tuổi. Bộ phim thể hiện sự hy sinh âm thầm và sức mạnh vươn lên trong mọi nghịch cảnh của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn họ vẫn luôn có những nỗi đau giấu kín và niềm khao khát cháy bỏng được yêu thương. Kịch bản gốc của phim là "Vàng - Đá" của biên kịch trẻ Hồ Hải Quỳnh. Quỳnh viết kịch bản này dựa trên chính cuộc đời của bà nội cô. Đó là điểm cuốn hút tôi nhất. Sau đó, tôi đã chỉnh sửa nhưng trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối tinh thần của kịch bản gốc. Hy vọng khi xem phim, những người từng đọc kịch bản đó sẽ mỉm cười.
ĐD Tuấn Vũ (Từ trái sang) |
- Anh mong chờ điều gì nhất đối với bộ phim này?
- Với tôi, điều quan trọng nhất là phim đến được với nhiều khán giả và chạm được tới trái tim họ.
- Hiện nay, điện ảnh Việt Nam đang hướng tới xu hướng xóa bỏ ranh giới giữa phim nghệ thuật và phim thương mại. Cụ thể là đang tìm cách dung hòa hai yếu tố này để dù là phim nghệ thuật nhưng vẫn ra rạp và thu lợi nhuận. Anh nghĩ gì về điều này?
- Như tôi đã nói, tôi muốn phim của mình đến được với nhiều người. Cũng có nghĩa là tôi muốn nó được ra rạp và có doanh thu. Tôi nghĩ xóa bỏ ranh giới giữa phim nghệ thuật và phim thương mại là không thể, kể cả trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể làm một bộ phim thương mại với những giá trị nghệ thuật nhất định và ngược lại, một phim nghệ thuật nhưng dễ xem, dễ đồng cảm.
- Từ "Và Anh sẽ trở lại" tới "Cuộc đời của Yến", mỗi bộ phim của anh đều hướng ống kính ra khỏi đô thị, tới vùng cao hoặc vùng nông thôn Việt Nam. Điều gì khiến anh trở đi trở lại với nơi này?
- Phim đầu tiên tôi làm về Tây Bắc, đến phim thứ hai này, tôi đã trở về một vùng quê nông thôn Bắc Bộ. Biết đâu phim tới tôi sẽ "kéo vào" đô thị thì sao? Tôi nghĩ điều quan trọng là gặp được kịch bản khiến bản thân hứng thú. Và kịch bản đó đưa ta đến vùng đất nào thì đó là cái duyên.
- Kinh phí làm phim luôn là một vấn đề quan trọng thậm chí gây nhiều tranh cãi. Anh đặt yếu tố kinh phí ở vị trí nào trong dự án phim của mình?
- Ai đó đã nói "Tiền không phải số một, nhưng cũng không thể là số hai". Trong làm phim cũng vậy. Có tiền thì mới dám nghĩ, dám làm. Tiền ít thì đồng nghĩa việc những sáng tạo có thể bị bó hẹp, thêm cái này thì sẽ phải hy sinh cái kia. Nhưng tiền nhiều thì chưa chắc phim đã hay. Tôi nghĩ tốt nhất là suy nghĩ được tới đâu thì tiền đáp ứng tới đó.
- Cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.