Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan trọng là ý thức con người

Hoàng Lan| 23/07/2022 05:56

(HNMCT) - Từ lâu, xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia xem là biện pháp quan trọng nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Có thể hiểu điểm căn bản của văn hóa giao thông là ý thức tự giác, tinh thần thượng tôn pháp luật khi tham gia giao thông của mỗi cá nhân. Thế nhưng, nhìn vào bức tranh tổng thể của giao thông hiện nay, nhiều chuyên gia lo ngại rằng văn hóa giao thông hiện vẫn là một điều gì đó xa vời.

Mấu chốt cơ bản của văn hóa giao thông là ý thức tự giác, tinh thần thượng tôn pháp luật khi tham gia giao thông của mỗi cá nhân. Ảnh: Bảo Ngân

Có hay không, văn hóa giao thông?

Phải khẳng định rằng, hơn chục năm trở lại đây, khi cư dân Thủ đô dần trở nên đông đúc, cơ sở hạ tầng quá tải trước nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống hiện đại, khái niệm “văn hóa giao thông” mới bắt đầu được đề cập nhiều hơn. Còn trước đó, cái thời dân cư Hà Nội còn chưa nhiều, phương tiện giao thông ít, đặc biệt là nét thanh lịch vẫn còn “đậm đặc”, văn hóa giao thông dường như ít "nóng bỏng" hơn so với hiện tại.

Nói như thế không có nghĩa hiện giờ văn hóa giao thông không tồn tại. Phải khẳng định rằng văn hóa giao thông vẫn hiện diện trên mọi ngóc ngách của Thủ đô. Có thể thấy điều đó qua hình ảnh người thanh niên dắt cụ bà qua đường, đám đông xúm lại đỡ một người vừa bị ngã sau va chạm trên đường. Đó còn là hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát giao thông đẩy xe giúp người dân qua quãng đường ngập nước, tất cả các phương tiện đồng lòng dẹp sang một bên nhường đường cho xe cứu thương... Chỉ là, những hình ảnh, câu chuyện dễ thương ấy xuất hiện chưa nhiều.

Nhìn một cách tổng thể, nhiều chuyên gia giao thông thừa nhận, văn hóa giao thông chưa thể coi là nét đẹp phổ biến tại Việt Nam. Chỉ cần trực tiếp tham gia giao thông trong vài giờ, bất kỳ ai cũng có thể cảm thấy bức bối. Trên các tuyến đường đông đúc, đặc biệt là vào giờ cao điểm, dễ dàng nhận thấy tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, đường cấm. Nhiều người lấn làn, giành đường, lạng lách; leo vỉa hè; đi ngược chiều... Tệ hơn là tình trạng uống rượu bia mà vẫn điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu...

Lực lượng chức năng điều tiết giao thông khu vực cầu Chương Dương (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Vì sao vẫn giậm chân tại chỗ?

Nói đến nguyên nhân của sự hạn chế về văn hóa giao thông, trước hết phải kể đến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa nghiêm. Đây là nguyên nhân chủ quan, đã được chỉ ra, phê phán nhiều lần nhưng vẫn chưa tạo được sự chuyển biến cần thiết. Tại sao lại có tình trạng này? Câu trả lời khá đơn giản, đó là hệ thống pháp luật về giao thông chưa chặt chẽ, lực lượng thực thi pháp luật còn có biểu hiện nể nang, thậm chí có hành vi tiêu cực, dẫn đến thói... nhờn luật!

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng chỉ ra yếu tố mấu chốt dẫn đến tình trạng giao thông “chưa văn hóa”, đó là: Hạ tầng giao thông Việt Nam chưa hoàn thiện. Thông thường, một đô thị triệu dân thì hệ thống xe buýt, tàu điện và các phương tiện giao thông công cộng khác cũng phải có quy mô tương ứng, nhưng hiện nay hệ thống này chưa đạt tới mức cần, nên tình trạng chen lấn, ùn tắc và hành vi, lối ứng xử không văn minh của người tham gia giao thông tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi. Cũng theo ông Đào Ngọc Nghiêm, công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, vai trò và trách nhiệm của các nhà quản lý chưa phát huy được hiệu quả cần thiết nên ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông chưa trở thành nếp.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Hùng, nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, mặt trái của văn hóa tiểu nông cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành văn hóa giao thông. Ông phân tích, trước hết, mặt trái của văn hóa tiểu nông thể hiện ở tính kỷ luật kém, sự tùy tiện được chăng hay chớ nên việc chấp hành quy định của pháp luật không nghiêm, biểu hiện qua việc vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, đi vào đường cấm... Tiếp đó là tính chủ quan, “tới đâu hay tới đó”, thiếu tôn trọng và không nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông. Nhận thức kém nên nhiều người không ngại điều khiển phương tiện đi ngược chiều, đi ôtô vào phần đường dành cho xe đạp, xe thô sơ, lạng lách, đánh võng...

Ùn tắc giao thông trên đường Vành đai 3 (đoạn qua địa bàn quận Hoàng Mai). Ảnh: Quang Thái

Con người vẫn là yếu tố mang tính quyết định

Xây dựng văn hóa giao thông là góp phần hạn chế nạn ùn tắc, giảm số vụ tai nạn giao thông, nhất là trong điều kiện hạ tầng giao thông ở nước ta chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ tạo cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, một môi trường giao thông an toàn, thân thiện với con người, vì con người.

Trước thực tế đó, rất nhiều chương trình, hoạt động được triển khai nhằm nâng cao văn hóa giao thông. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức hàng loạt hoạt động, kế hoạch nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Trong số đó, có thể kể đến chương trình đi bộ kêu gọi hành động: “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, “Toàn dân đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe máy”; các cuộc thi “Giao thông học đường”, “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”... và đặc biệt là Quyết định 3500/QĐ-BVHTTDL năm 2013 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch về Tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ. Quyết định nêu các tiêu chí chung về văn hóa giao thông, bao gồm: Tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; Thực hiện nghiêm nhiệm vụ, tác phong chuẩn mực, văn minh; Tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông; Có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; Đi đúng làn đường, phần đường quy định; Không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép; Tuân thủ pháp luật khi xử lý và bị xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; Tạo dựng kết cấu hạ tầng giao thông chuẩn mực, an toàn; Có ý thức xây dựng môi trường giao thông thân thiện, an toàn...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Hùng, chúng ta cần đưa nội dung giáo dục, tuyên truyền, phổ biến quy định của luật pháp về giao thông vào chương trình giáo dục chính thức trong trường học phổ thông, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hành văn hóa giao thông trong cộng đồng; cần tăng cường đầu tư công cũng như đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật về giao thông... Thực tế cho thấy chúng ta cần tìm cách thúc đẩy sự hình thành những nét văn hóa mới, tuyên truyền mạnh mẽ nhằm làm lan tỏa những tấm gương, mô hình tiêu biểu trong việc thực hành văn hóa giao thông. Chỉ khi nào những nét văn hóa mới đủ sức thay thế và áp đảo những biểu hiện xấu thì lúc ấy, tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông mới có thể được giải quyết tận gốc.

Cho tới nay, đã có nhiều cuộc hội thảo về xây dựng văn hóa giao thông đã được tổ chức, rất nhiều tham luận bàn về việc xây dựng quy hoạch đô thị để làm sao giải quyết nạn tắc đường, xây thêm bao nhiêu cầu, cần bao nhiêu con đường để giao thông thêm thuận tiện... Nhưng, dường như yếu tố con người lại chưa được đề cập đủ mức cần thiết. Bởi thế, cái cần bàn lúc này chính là phải tuyên truyền, giáo dục ra sao để hình thành văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử xứng tầm Thủ đô văn minh, hiện đại. Bởi dẫu chúng ta có nỗ lực để xây những con đường thật rộng, mở những chiếc cầu thật to, làm tàu điện ngầm thật hiện đại... nhưng tất cả sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu chủ nhân, những người vận hành nó kém về ý thức, phẩm chất, hành vi.  

Một liên tưởng nhỏ để khép lại bài viết này, trong tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng có hai viên cảnh sát Min Đơ và Min Toa chuyên đạp xe đi khắp các phố để phát hiện và phạt người có hành vi tiểu bậy, cãi nhau, tội để nhà cửa mất vệ sinh, để chó thả rông... Độc giả mải mê với giọng trào phúng của "ông vua phóng sự đất Bắc" mà ít để ý rằng, chuyện về hai thầy Min Đơ và Min Toa và sự mẫn cán của họ là minh chứng về câu chuyện văn hóa giao thông: "Bây giờ đến cả thằng phu xe cũng biết luật! Chả bao giờ chúng quên đèn! Chả mấy khi chúng đứng giữa đường nghênh ngang!..." và viên cảnh sát "mỗi ngày bốn lượt đạp xe 16 phố mà cấm gặp sự gì đáng biên phạt".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan trọng là ý thức con người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.