Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan trọng là xác định phương thức hợp tác

Dục Tú| 20/03/2016 07:57

(HNM) - Tại Việt Nam, mô hình bệnh viện công và tư song hành tồn tại từ hơn chục năm nay. Trong khoảng thời gian đó, cần phải ghi nhận tác động có lợi từ phía khối cơ sở y tế ngoài công lập đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.


Sự có mặt của cơ sở y tế tư nhân, vì nhiều lý do, ít nhiều tạo sức ép cạnh tranh lành mạnh, dần khiến khối y tế công lập phải tìm giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh - đặc biệt là giải pháp liên quan đến y đức, thái độ và điều kiện phục vụ. Sự có mặt của khối tư nhân là cần thiết, không chỉ với ý nghĩa đẩy nhanh quá trình giảm tải cho khối cơ sở y tế công lập, nhất là các bệnh viện tuyến trên.

Vấn đề đặt ra là vì sao, dù giữ vai trò cần thiết, cần có nhưng một số cơ sở y tế tư nhân lâm vào tình trạng "sống thoi thóp"? Vì sao đa số bệnh viện tư nhân được đầu tư khá, cơ sở vật chất khang trang, duy trì thái độ phục vụ thân thiện nhưng công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức thấp, như người trong cuộc nói là "vắng như chùa Bà Đanh"? Tình trạng "chết lâm sàng" nhất nhất do vấn đề liên quan đến cơ chế, do "phận con ghẻ" hay còn do nhiều nguyên nhân khác - đặc biệt là về chất lượng chuyên môn và giá dịch vụ?...

Cho đến hiện tại, sau một khoảng thời gian đủ dài để đánh giá về sự hiện diện của khối bệnh viện tư, câu hỏi về "chất lượng sống" và sự tham gia của khối này vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vẫn là vấn đề làm đau đầu nhà quản lý. Về cơ bản, theo hình dung của người bệnh, đa số bệnh viện tư đáp ứng khá tốt nhu cầu về môi trường phục vụ, nhân viên y tế có thái độ thân thiện đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, "bệnh… đòi quà" là thứ ít gặp, nhưng còn đó dấu hỏi về giá dịch vụ, "tên tuổi" bác sĩ khám và điều trị cũng như rào cản đối với việc thanh toán bảo hiểm y tế.

Với bệnh viện công, sự e ngại của người bệnh thường liên quan đến vấn đề y đức, những rắc rối có nguồn gốc từ thực trạng quá tải, cơ sở vật chất chưa ở mức làm hài lòng người bệnh. Sự đánh giá chung về mô hình bệnh viện công và tư cho thấy "anh nào" cũng có thế mạnh, điểm yếu riêng, bởi vậy, sự phối hợp giữa hai mô hình này theo hướng phát huy thế mạnh của mỗi bên là bài toán cần có lời giải thấu đáo, nhằm mục tiêu chăm sóc sức khỏe của người bệnh ngày càng tốt hơn.

Thực tế cho thấy, sự liên kết giữa bệnh viện công và tư trong giai đoạn vừa qua chưa đem lại hiệu quả cần thiết bởi còn có độ "vênh" về quan điểm và mục tiêu hợp tác. Phía bệnh viện tư phải tự trang trải tất tật, tất yếu lo "giữ giá" đủ bù chi và có phần tích lũy. Bệnh viện công đa số có tiếng về chuyên môn, đội ngũ hùng hậu nhưng phải cái yếu về khâu đối đãi, điều kiện phục vụ, có chia sẻ bệnh nhân, y - bác sĩ giỏi cho bệnh viện tư thì cũng khó tránh cảm giác "nối giáo cho đối thủ cạnh tranh". Đó là chưa kể phản ứng lựa chọn từ phía bệnh nhân, đa số vốn không giàu có gì nên rất sợ mức giá từ phía bệnh viện tư.

Mâu thuẫn tất yếu trong quá trình hợp tác giữa hai khối là khó tránh, đòi hỏi phải có giải pháp tự thân và giải pháp bổ trợ. Về cơ bản, trong giai đoạn hiện nay, khi viện phí chưa vào giai đoạn nhất nhất tính đúng, tính đủ, các bệnh viện tư cần tính toán để hạ giá dịch vụ ở mức có thể nhằm thu hút người bệnh, tận dụng ưu thế về cơ sở vật chất để phục vụ bệnh nhân.

Với bệnh viện công, điều quan trọng là cởi bỏ tâm lý coi bệnh viên tư là đối thủ cạnh tranh, tận dụng cơ hội hợp tác để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Để nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai khối, Nhà nước cần có giải pháp hạn chế sự bất cập về cơ chế, chính sách đối với bệnh viện tư; "luật hóa" quan hệ đối tác công - tư.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan trọng là xác định phương thức hợp tác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.