Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan trọng là định hướng hành vi sinh viên

Khánh Vũ| 18/04/2016 07:33

(HNM) - Tuần qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT về Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy. So với một văn bản tương tự được ban hành cách đây gần 10 năm, nội dung Quy chế có những điểm bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

Quy chế công tác sinh viên mới ban hành sẽ được các trường cụ thể hóa vào tình hình thực tiễn của mỗi trường.


Tuy vậy, nhiều trường tỏ ra băn khoăn về khả năng thực hiện quy định liên quan tới việc kiểm soát hành vi của sinh viên trong môi trường internet.

Không được chia sẻ nội dung "dung tục"


Có hiệu lực thi hành từ ngày 23-5-2016, Thông tư 10 thay thế những quy định liên quan tới sinh viên và công tác sinh viên của các đại học, học viện, trường đại học được nêu tại Quyết định số 42, ban hành ngày 13-8-2007, của Bộ GD-ĐT. Khi đề cập tới các vấn đề chính là quyền, nhiệm vụ của sinh viên, các hành vi mà sinh viên không được làm, văn bản mới này có một số điều chỉnh đáng chú ý. Về quyền của sinh viên, trong Quy chế đã không còn nội dung "Sinh viên được hưởng chính sách ưu tiên của Nhà nước trong tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước nếu tốt nghiệp loại giỏi, rèn luyện tốt". Tuy nhiên, Quy chế mới nêu rõ sinh viên có quyền "được đóng góp ý kiến, tham gia quản lý và giám sát hoạt động giáo dục và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp của mình kiến nghị các giải pháp góp phần xây dựng và phát triển cơ sở giáo dục đại học".

Trong 10 hành vi sinh viên không được làm, Quy chế đã bổ sung một số nội dung. Theo đó, sinh viên không được tổ chức hoặc tham gia tụ tập đông người, biểu tình, khiếu kiện trái pháp luật; không được đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của các cá nhân trên mạng internet. Theo khung xử phạt, sinh viên tham gia biểu tình, tụ tập đông người, khiếu kiện trái phép có thể bị khiển trách nếu vi phạm lần đầu và bị buộc thôi học sau lần thứ 4. Với hành vi kích động, lôi kéo người khác biểu tình, viết truyền đơn, áp phích trái phép, sinh viên có thể bị đuổi học sau 2 lần vi phạm.

Ngoài ra, các trường có quyền buộc thôi học sinh viên ngay lần đầu tiên có hành vi tổ chức học, thi, kiểm tra thay; tổ chức làm thay tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp. Ngoài ra, sinh viên cũng không được tổ chức hoặc tham gia đua xe, cổ vũ đua xe trái phép; tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; hút thuốc, uống rượu, bia trong trường học; say rượu, bia khi đến lớp. Với tất cả các hành vi nói trên, tùy theo mức độ, sinh viên có thể được giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Các trường gặp khó?

Trong Quy chế, nội dung được dư luận chú ý hơn cả là quy định cấm sinh viên đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung xấu trên internet. Khi được hỏi về điều này, Nguyễn Hoàng Nguyên, sinh viên năm thứ 2 tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết là hiện nay, thông tư nói trên của Bộ GD-ĐT vẫn chưa được phổ biến rộng rãi cho sinh viên trong trường. "Thực ra, đã là sinh viên thì ít nhiều đều ý thức được những hành vi nào là sai, là không phù hợp khi tham gia các mạng xã hội hay các diễn đàn trên internet. Tuy nhiên, chúng em sẽ rất khó xác định thế nào là quá giới hạn, nội dung như thế nào thì bị coi là dung tục" - Nguyễn Hoàng Nguyên nói.

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT): Việc tăng cường công tác quản lý, giáo dục nhằm hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với học sinh, sinh viên là điều cần phải làm. Mục đích chính của Thông tư 10 là để phòng ngừa vi phạm thông qua tuyên truyền, nâng cao nhận thức của sinh viên.

Để kiểm soát các hành vi vi phạm, theo Quy chế, Bộ GD-ĐT chỉ quy định khung, các trường có trách nhiệm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện phù hợp Quy chế của Bộ và tình hình thực tiễn của nhà trường.


Khi nói về Thông tư 10, hầu hết các trường đại học trên địa bàn Hà Nội đều cho biết, do văn bản này mới được ban hành nên nhà trường vẫn chưa kịp triển khai nội dung Quy chế tới sinh viên. Về việc thực hiện, các ý kiến đều cho rằng, nếu như không có các hướng dẫn cụ thể hơn từ phía Bộ GD-ĐT thì việc quản lý các nội dung đăng tải trên internet của sinh viên là không thể thực hiện được. Hơn nữa, khi sinh viên thực hiện những hành vi đó trong môi trường mạng xã hội, trên internet, họ phải chịu sự điều chỉnh của luật pháp, sẽ là khó khăn nếu nhà trường phải kiêm chức năng "canh gác" trong thế giới ảo.

Trường Đại học Thủy lợi là một trong số ít trường cho biết đã bắt đầu nghiên cứu Quy chế để truyền đạt nội dung văn bản này tới sinh viên. Ông Nguyễn Minh Tuấn (Phòng Công tác sinh viên) lường trước những khó khăn mà nhà trường sẽ phải đối diện khi thực hiện Quy chế: "Với mấy chục nghìn sinh viên, chúng tôi xác định là không thể nắm chắc hành vi của sinh viên trường mình trên những trang mạng xã hội lớn như Facebook. Việc xử lý cũng gần như là không thể, bởi chỉ riêng với việc xác định ai có hành vi vi phạm đã là rất khó rồi.

Sinh viên có thể nói rằng mình bị lấy cắp tài khoản hay mình dùng chung máy tính với bạn bè… Nhà trường chỉ có thể kiểm soát được nội dung đăng tải trên các trang của trường, chẳng hạn như Fanpage hay Confession. Trên các trang đó, chúng tôi cũng tập trung vào việc cung cấp các thông tin khách quan, định hướng để các em không bị các thông tin thất thiệt chi phối, không để các em vì thiếu thông tin, nhiễu thông tin mà có tâm lý bức xúc và có các hành vi tiêu cực cả trong thế giới ảo lẫn ngoài đời".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan trọng là định hướng hành vi sinh viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.