(HNM) - Ngày 13-4, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều tổ chức các hội nghị, hội thảo liên quan tới việc sử dụng chất kích thích tạo nạc (beta-agonist) trong thức ăn chăn nuôi và an toàn thực phẩm.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam (VFA) Phạm Đức Bình cho biết: Trước năm 2000 chất kích thích tạo nạc đã được một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đưa ra thị trường. Từ khi chính thức bị cấm (năm 2002), những chất cấm này vẫn cứ trà trộn trong sản phẩm của ngành chăn nuôi. Còn Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam - PGS Lã Văn Kính thẳng thắn: Việc quản lý nhập khẩu các loại thức ăn chăn nuôi bổ sung như premix, vitamin, khoáng, men tiêu hóa... không chặt chẽ trong khi đây là nhóm hàng có nguy cơ chứa chất cấm nhiều nhất. Chủ tịch VFA Lê Bá Lịch nhận định, hiện nay các cơ quan quản lý quá dễ dãi trong việc cấp phép nhập khẩu các loại premix và phụ gia sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cơ quan nhà nước chỉ căn cứ vào mô tả của DN là cho phép nhập khẩu, trong khi lẽ ra phải đem mẫu đến phân tích thì mới đưa vào danh mục...
Qua những ý kiến trên có thể thấy, trong một thời gian dài, việc quản lý các chất kích thích tạo nạc bị thả nổi. Người ta vô tư tuồn các loại chất cấm vào thị trường của chúng ta theo đường tiểu ngạch hoặc pha trộn trong các loại thức ăn chăn nuôi bổ sung với nhiều tên gọi khác nhau.
Năm 2011, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đã thực hiện 2 đợt khảo sát trên thịt thương phẩm tại TP Hồ Chí Minh. Kết quả đợt đầu là 7/10 mẫu được lấy và kiểm tra nhiễm chất tạo nạc. Đợt thứ 2 với 30 mẫu khảo sát thì số mẫu nhiễm chất tạo nạc chiếm 33%.
Dù biết sự độc hại của các chất trong danh mục cấm, nhưng tính ra, nếu bỏ một đồng mua chất cấm thì khi bán cho người chăn nuôi được tới 10 đồng, lợi nhuận cao như thế trong khi việc quản lý lại vô cùng lỏng lẻo thử hỏi đó có là điều kiện tốt cho các hành vi vi phạm nảy sinh? Còn với người chăn nuôi, nếu sử dụng những loại chất này, "hạch toán" cho thấy, mỗi kilôgam thịt lợn khi xuất chuồng lãi hơn cách nuôi chân chính là từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng. Rồi lại có chuyện ngành này bảo cấm, nhưng ngành kia lại cho phép. Cùng về vấn đề này, còn rất nhiều ý kiến cho rằng, chế tài xử lý việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay với mức phạt tối đa 25 triệu đồng là chưa đủ sức răn đe... Vậy nên lực lượng công an mới vào cuộc một thời gian ngắn đã phát hiện cả chục tấn thức ăn chăn nuôi nghi chứa chất cấm, đồng thời hàng loạt cơ sở, DN được đưa vào "tầm ngắm" vì nghi ngờ có buôn bán, sử dụng chất cấm.
Những bất cập nêu trên là không mới, nhưng đáng tiếc là trước những hội nghị, hội thảo này chưa thấy các cơ quan chức năng đề xuất ý kiến gì để khắc phục những lỗ hổng đó. Vậy trong suốt những năm qua họ đã làm gì dù vẫn hưởng lương từ ngân sách để thực thi trách nhiệm nhà nước giao cho trong việc quản lý?
Sự an toàn và lợi ích của người tiêu dùng bị xâm hại - Đó là điều nhìn thấy rõ. Thiệt hại của những hộ gia đình, những DN chăn nuôi chân chính cũng đã nhìn thấy rõ (chỉ tính riêng thiệt hại của các hộ chăn nuôi đã vào khoảng 2.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, trách nhiệm của các cơ quan quản lý và từng cá nhân như thế nào, sẽ bị xử lý ra sao... lại là điều chưa thấy được đề cập.
Thực ra, tình trạng nêu trên cũng là không mới mà đã xuất hiện ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Vấn đề đặt ra là người dân, DN không thể đóng góp cho ngân sách thông qua các khoản thuế để chi trả tiền lương cho những công bộc làm việc thiếu trách nhiệm như vậy. Không lẽ, cứ khi xảy ra sự cố mới lại nhìn nhận được những lỗ hổng, bất cập... rồi tất cả cùng rút kinh nghiệm và "hòa cả làng"? Chả có cái "lý" nào cho việc "quản" như vậy!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.