Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quận Tân Bình: Hiệu quả từ mô hình một cửa điện tử

Thùy Linh| 02/06/2010 07:50

(HNM) - Không cần phải đi lại nộp hồ sơ và chờ đợi, chỉ cần ngồi nhà

Ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa quận Tân Bình mang lại hiệu quả cao.


Tân Bình là một trong những quận đầu tiên của TP Hồ Chí Minh ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính kể từ năm 2006. Trên trang web của quận có đầy đủ các hướng dẫn thủ tục hành chính và thông tin về nhà đất, môi trường, kinh tế, văn hóa… để người dân có thể tham khảo và thực hiện giao dịch qua mạng mà không cần đến nơi. Đến nay, đã có 54/70 lĩnh vực thủ tục hành chính được công khai trên web. Mục "Một cửa điện tử" cũng cung cấp cho người dân biết quy trình giải quyết từng hồ sơ, theo dõi thông tin ở đây có thể biết hồ sơ của mình đã xong chưa để đến lấy về chứ không còn phải đi lại như trước. Bên cạnh internet, UBND quận Tân Bình còn cung cấp dịch vụ nhắn tin hoặc gọi điện thoại nếu không dùng mạng internet.

Theo ông Bùi Chí Đễ, Chánh Văn phòng UBND quận, chương trình này ngoài việc tạo thuận lợi cho người dân còn giúp tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ công chức trong thực thi công vụ, góp phần hoàn thiện bộ máy quản lý hành chính nhà nước tinh gọn và hiệu quả. Mọi công đoạn thực hiện được thể hiện rõ ràng trên máy tính. Từ khi đưa vào thực hiện đến nay, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn luôn tăng lên do hệ thống ngày càng hoàn thiện. Nếu tháng 3-2010 tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn là 91% thì tháng 4-2010 là 95%. Đơn vị này cũng vừa đoạt giải ứng dụng CNTT và quản lý hành chính xuất sắc nhất của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT).

Tuy nhiên, ứng dụng CNTT vẫn còn những khó khăn vì việc chuyển đổi môi trường làm việc từ thủ công sang mạng internet còn lúng túng, trong khi các phòng, ban không có chuyên viên chuyên trách CNTT, phần đông chỉ là phân công kiêm nhiệm. Việc triển khai một chương trình liên thông cũng gặp rất nhiều khó khăn như qui chế, qui trình liên thông không rõ ràng, vướng cơ chế hoạt động tổ chức ngành dọc, sự kết hợp đồng bộ giữa các phòng, ban… Bên cạnh đó, người dân tham gia nhiều nhưng phần lớn cũng chỉ ở dịch vụ công cấp 1, 2 (đọc thủ tục hành chính trên mạng; in ra và mang đi nộp), còn dịch vụ công cấp 3 (nộp hồ sơ qua mạng) vẫn còn hạn chế. Như tại quận Tân Bình, số lượng hồ sơ cấp cho người dân và doanh nghiệp từ năm 2006 đến nay chỉ có 50 hồ sơ (chủ yếu là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh). Theo ông Đễ, để người dân và doanh nghiệp giao dịch, sử dụng dịch vụ công mức độ 3 tốt, ngoài việc cơ quan nhà nước phải cung cấp các thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác và thường xuyên trao đổi với người dân bằng thư điện tử (email) thì người dân cũng phải trở thành "người dân điện tử ", biết sử dụng tin học để thực hiện giao dịch trên môi trường mạng.

Đánh giá về mô hình một cửa điện tử của quận Tân Bình, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một hệ thống tích hợp liên thông hết sức hoàn chỉnh. Mô hình này cũng mang tính dùng chung có hiệu chỉnh cho phù hợp với từng đơn vị. Phần mềm ứng dụng do Công ty FPT xây dựng này cũng hết sức tiết kiệm nếu so với phần mềm mua ở nước ngoài. Trong năm 2010, Sở TT-TT sẽ đẩy mạnh việc kết nối liên thông giữa các đơn vị và nâng cấp chương trình lên dịch vụ công cấp 3, cấp 4 (nộp hồ sơ và nhận kết quả qua mạng) để dần hoàn thiện chương trình một cửa điện tử của TP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quận Tân Bình: Hiệu quả từ mô hình một cửa điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.