(HNM) - Những năm qua, thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng luôn quan tâm toàn diện, thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó, các em đã được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện.
Trợ giúp kịp thời
Em Nguyễn Duy Bách, 11 tuổi, ở phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bố qua đời từ năm 2013, hai anh em Bách sống với mẹ. Tuy nhiên, mẹ Bách trong cảnh sức khỏe yếu nên đời sống kinh tế luôn thiếu trước, hụt sau. Nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và cộng đồng, hai anh em Bách mới không phải bỏ học giữa chừng.
Trường hợp khác vừa nhận được kinh phí hỗ trợ học tập của Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội là em Nguyễn Thị Kỳ Phương ở xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai). Bố em mất sớm còn sức khỏe của mẹ em không tốt. Hiện tại, ba mẹ con cháu sống cùng bà nội trong ngôi nhà nhỏ. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía, Phương mới có cơ hội được học tập, vui chơi như bạn bè cùng trang lứa.
Bách và Phương chỉ là hai trong số rất nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và cộng đồng thời gian qua. Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Lê Thành Vinh cho biết, ngoài việc vận động các nguồn lực để tặng quà, hỗ trợ kinh phí học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đơn vị còn phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức khám sàng lọc, phát hiện bệnh lý tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo. Qua đó, các bác sĩ đã phát hiện 71 trẻ nghi ngờ mắc bệnh tim bẩm sinh để đưa đi khám chuyên sâu, trong đó có 10 trẻ phải phẫu thuật, 17 trẻ phải theo dõi, điều trị nội khoa.
Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Dương Thị Tuyết Nhung thông tin, thành phố Hà Nội có gần 13.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng hành với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là các cơ quan, đơn vị chức năng và cộng đồng xã hội. Nhờ đó, 99,5% số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn được chăm sóc, trợ giúp kịp thời về nhiều mặt. Ngoài ra, trẻ em là thành viên của gần 50.000 gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo cũng được quan tâm về y tế, giáo dục…
Thiết lập mạng lưới bảo vệ trẻ em đồng bộ
Kết quả đạt được trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, những nguy cơ khiến trẻ bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích… vẫn tiềm ẩn. Nhằm giảm thiểu những nguy cơ này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã yêu cầu các trung tâm bảo trợ xã hội triển khai đồng bộ các biện pháp.
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội Nguyễn Văn Bằng, trong bối cảnh có dịch Covid-19, các cán bộ, nhân viên trung tâm đã hướng dẫn các cháu biết cách bảo đảm an toàn cho bản thân... “Nhờ sự hướng dẫn tận tình của các bố, mẹ ở trung tâm, chúng cháu đã hiểu, muốn phòng, chống dịch bệnh phải luôn giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài…”, cháu Lù Thanh L., ở Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội chia sẻ.
Tại Nhà nuôi dưỡng trẻ em Hữu Nghị Đống Đa, Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật Sóc Sơn, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Hà Cầu (quận Hà Đông), các đơn vị đã mở lớp trang bị kỹ năng sống và hướng nghiệp cho trẻ. Là người giảng dạy kỹ năng cho các em nhỏ, Giám đốc Công ty cổ phần Tham vấn, nghiên cứu và tâm lý học cuộc sống Nguyễn Đức Nam cho biết: “Chúng tôi thường xuyên truyền đạt, trang bị cho các cháu kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, nhận diện nguy cơ bị xâm hại tình dục…”.
Các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn sống ngoài cộng đồng luôn được bảo vệ bằng nhiều hình thức. Hiện, bộ máy chăm sóc, bảo vệ trẻ em của Hà Nội hoạt động thông suốt từ thành phố tới cơ sở. Các đơn vị liên quan đã “kích hoạt” hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em với gần 2.000 điểm, phân bố đều ở 30 quận, huyện, thị xã. Nhiều xã, phường, thị trấn đã triển khai mô hình “ngôi nhà an toàn”, “trường học an toàn”, “khu dân cư an toàn”, nhằm tạo ra những cộng đồng an toàn.
“Việc thiết lập mạng lưới bảo vệ trẻ em đồng bộ từ thành phố tới cơ sở là giải pháp quan trọng, hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn, bảo vệ trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nói riêng”, Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.