(HNMO) - Nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3-12, nhìn lại để thấy rõ hơn, người khuyết tật ở nước ta ngày càng nhận được sự quan tâm, chăm sóc, trợ giúp về nhiều mặt. Tuy nhiên, để người khuyết tật chủ động vươn lên, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho họ cần được các bên quan tâm nhiều hơn.
Trợ giúp về nhiều mặt
Nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, nhiều trường hợp người khuyết tật đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, đạt thành tích trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể kể đến trường hợp bà Lương Thị Minh Nguyệt, ở thôn Ninh Cầm, xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Theo lời kể, bà Nguyệt không may bị khuyết tật vận động sau một tai nạn. Không đầu hàng số phận, bà Nguyệt tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để thành lập Hợp tác xã Sức sống xanh vào tháng 10-2018. Hoạt động theo mô hình sản xuất và thương mại với nhiều ngành, nghề, Hợp tác xã Sức sống xanh thường xuyên tạo việc làm cho hơn 50 lao động là người khuyết tật, thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Trường hợp khác là thầy giáo Chu Quang Đức, Trường Trung học phổ thông Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội). Do ảnh hưởng bởi chất độc da cam từ bố đẻ, thầy Chu Quang Đức mang nhiều dạng tật, sức khỏe yếu. Song, với tinh thần vững vàng vươn lên, sau khi tốt nghiệp Khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vào năm 2010, Quang Đức trở thành giáo viên dạy môn tin học của Trường Trung học phổ thông Mê Linh cho đến nay.
Ngoài những dẫn chứng nêu trên, theo thống kê của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, toàn thành phố có hơn 100.000 người khuyết tật. Hơn 99% gia đình có thành viên là người khuyết tật hiện không phải sống trong cảnh nghèo. Tương tự thành phố Hà Nội, người khuyết tật ở các tỉnh, thành phố khác cũng được quan tâm, trợ giúp về nhiều mặt, nên cuộc sống của họ và gia đình dần vơi bớt khó khăn.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, người khuyết tật được tiếp cận với cơ hội học nghề, việc làm chưa nhiều. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó, số người trong độ tuổi lao động, có thể tham gia lao động chiếm 31,7%. Thế nhưng, tỷ lệ có việc làm đối với lao động là người khuyết tật chỉ chiếm 36%, trong khi tỷ lệ này ở người không khuyết tật là hơn 60%. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động khuyết tật dễ bị mất việc làm hơn.
Bà Đào Thu Hương, cán bộ về quyền của người khuyết tật của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam thông tin, đánh giá nhanh của UNDP tại Việt Nam cho thấy, khoảng 30% người khuyết tật ở nước ta bị mất việc làm, gần 50% bị giảm giờ làm và gần 60% bị mất thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thực trạng này đòi hỏi các bên cần chung tay quan tâm, hỗ trợ người lao động tiếp cận việc làm. Đó cũng là yếu tố cốt lõi để người lao động chủ động vươn lên, tự tin hòa nhập...
Kết nối người lao động với thị trường việc làm
Để tăng cơ hội việc làm cho người khuyết tật, ngoài chính sách chung, các cơ quan chức năng luôn quan tâm tạo việc làm cho người khuyết tật. Chủ tịch Hội người mù Việt Nam Phạm Viết Thu cho hay, Hội đang quản lý gần 400 cơ sở cùng nhiều tổ, nhóm sản xuất với gần 7.000 lao động đang làm việc...
Ở cấp cơ sở, các địa phương có nhiều chính sách nhằm trợ giúp cho người khuyết tật vươn lên. Chẳng hạn, tại Hà Nội, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội Dương Thị Vân cho biết, Hội thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ Thanh thiếu niên Hà Nội (thuộc Thành đoàn Hà Nội), Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) để tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho người khuyết tật.
Cùng với đó, Hội phối hợp với một số doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Intel Life, Công ty cổ phần Lotus, Công ty cổ phần Việt Chuẩn, Viện Nghiên cứu ứng dụng tâm lý trị liệu và phát triển nguồn nhân lực... để đào tạo nghề theo vị trí việc làm cho lao động là người khuyết tật. Giúp người lao động tiếp cận với thông tin về thị trường lao động, Hội Người khuyết tật thành phố còn lập kênh Youtube, xây dựng các website về việc làm...
Giải pháp kết nối lao động khuyết tật với thị trường việc làm đã giúp cung - cầu lao động gặp nhau. Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art Lê Việt Cường - đơn vị sử dụng gần 100% lao động khuyết tật cho biết: “Tham gia Ngày hội việc làm hòa nhập người khuyết tật lần thứ 10 năm 2021 do Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội vừa tổ chức, chúng tôi tuyển thêm được một số lao động”.
Còn anh Nguyễn Tuấn Vinh, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) phấn khởi: “Tôi mới được một doanh nghiệp tuyển vào làm công nhân may mặc. Tôi sẽ cố gắng làm việc tốt để có thể làm chủ cuộc sống của bản thân”.
Dưới góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi thông tin, hiện cả nước có 1.912 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia dạy nghề cho người khuyết tật, trong đó có 3.359 giáo viên trực tiếp dạy nghề cho nhóm lao động đặc thù này. Đặc biệt, nội dung đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật... được quy định rõ tại Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Đây là cơ sở, hành lang thuận lợi để các bên cùng quan tâm hỗ trợ về việc làm cho người khuyết tật, giúp họ có hành trang vững chắc để vượt lên khó khăn, góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.