(HNM) - Thực tế nhiều năm qua, việc bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội luôn là một chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững của đất nước.
Mục tiêu đảm bảo ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là nội dung chủ yếu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010 – 2020 của đất nước ta. Đây cũng là một yêu cầu bức thiết của quá trình phát triển nhanh, bền vững và cũng là kỳ vọng của đông đảo nhân dân gửi gắm vào Đại hội.
Đường phố Hà Nội rực rỡ cờ, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng Đại hội Ảnh: Viết Thành
Bà Đào Thu Ngân (xã Cẩm Yên, huyện Thạch Thất): Để giáo dục - đào tạo thực sự là một khâu đột phá
Là giáo viên tôi rất quan tâm đến các nội dung về giáo dục - đào tạo được trình bày trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Tôi đặc biệt phấn khởi là chủ trương đổi mới toàn diện và phát triển nhanh giáo dục quốc dân được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020. Để làm được điều đó, tôi nghĩ ngành giáo dục, trước hết là đội ngũ giáo viên (ĐNGV), từ mầm non đến đại học, phải là lực lượng chủ lực, nòng cốt quyết định. Công tác quy hoạch, đào tạo - bồi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho ĐNGV phải được triển khai đồng bộ, đi trước một bước, tương xứng với vị trí "quốc sách hàng đầu" của nền giáo dục quốc dân. Đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, hiệu trưởng các trường học phải là ưu tiên số một trong công tác đào tạo - bồi dưỡng của ngành giáo dục.
Tôi tin tưởng sau đại hội, công tác xây dựng đảng trong trường học được đẩy mạnh hơn, việc phát triển đảng trong giáo viên được chú trọng; các đảng viên trong trường học thực sự là nòng cốt thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục của Đảng.
Nguyễn Văn Chinh (Bệnh viện Nhi Trung ương): Cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với các y, bác sỹ
Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đại chúng thường xuyên đề cập đến những vấn đề về y đức và "nạn phong bì" trong ngành y tế. Theo tôi, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này là vấn đề thiếu cơ sở vật chất và chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên của ngành y tế chưa thỏa đáng. Chính sự quá tải tại các bệnh viện, nhiều bệnh nhân phải nằm ghép giường, rồi thiếu các bác sỹ có chuyên môn giỏi và chính sách đãi ngộ đối với các y, bác sỹ chưa tương xứng với công sức của họ bỏ ra, đã làm nảy sinh tiêu cực. Tôi hy vọng rằng, đại hội lần này sẽ vạch ra kế hoạch phù hợp để phát triển ngành y tế, chăm lo tốt hơn sức khỏe của nhân dân, hạn chế tiêu cực và có chính sách, chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho các y, bác sỹ, giúp họ yêu nghề, gắn bó với nghề hơn.
Ông Nguyễn Văn Lập (xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức): Chăm lo tốt hơn cho đối tượng chính sách
Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo các gia đình chính sách, những người có công với nước. Hằng năm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các địa phương đều dành thời gian thích đáng để đi thăm, tặng quà cho Mẹ VNAH, cán bộ lão thành cách mạng, thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, có các chính sách ưu đãi, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách. Tuy nhiên, tôi thấy các chế độ, chính sách của chúng ta còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, thường xuyên có sự thay đổi, khiến cho những người làm chính sách gặp không ít khó khăn. Tôi mong muốn, trong nhiệm kỳ tới đây, Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo hơn nữa đến các gia đình chính sách, những người có công với cách mạng; đồng thời sớm hoàn thiện hệ thống văn bản sao cho đồng bộ, chặt chẽ về chế độ, chính sách.
Bà Trần Minh Châu (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ):Đầu tư hiệu quả cho nguồn nhân lực chất lượng cao
Tôi rất tâm đắc ý kiến của đại biểu Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam rằng, cần xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh để từng bước phát triển nền kinh tế tri thức. Trong điều kiện hiện nay, khi nền khoa học thế giới phát triển như vũ bão, Đảng, Nhà nước cần có những chính sách ưu tiên đầu tư giáo dục để nâng cao năng lực của người lao động nói chung, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ nhằm mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tôi thường nghe đài báo nói về hiện tượng "chảy máu chất xám", theo tôi đó là mối nguy hại lớn cho nền kinh tế khi chúng ta chưa có sự đãi ngộ xứng đáng đối với đội ngũ trí thức. Vì vậy, tôi mong muốn rằng sau Đại hội XI, Đảng, Nhà nước sẽ có những cơ chế thích hợp để đội ngũ trí thức phát huy được vai trò tiên phong của mình trong việc phát triển nền kinh tế tri thức, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Ông Phạm Đình Quân (xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên): Nâng cao trình độ nghề nghiệp cho công nhân
Đại hội lần này là cánh cửa mở rộng để đội ngũ công nhân tiếp tục đoàn kết, lao động sáng tạo, qua đó đáp ứng được sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo. Nếu nói đời sống người lao động phải nói đến việc làm. Muốn có chất lượng cuộc sống cao, người công nhân phải nâng cao trình độ của mình. Nếu trình độ vững, người công nhân sẽ dễ tìm việc làm, thu nhập cũng sẽ tăng. Đó là cốt lõi của vấn đề giải quyết đời sống người lao động. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ người lao động về nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo… Muốn thực hiện điều này, Đảng, Nhà nước cần có chính sách để xây dựng chương trình tổng thể, chương trình quốc gia về nhà ở cho công nhân nhằm đáp ứng yêu cầu của người lao động hiện nay.
Bà Đinh Thị Vân (xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức):Sâu sát, cụ thể hóa công tác xóa đói giảm nghèo
Trong một số đánh giá, báo cáo của các cấp, các ngành, chúng ta thấy nêu một số bất cập như: Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ cận nghèo còn nhiều, tỷ lệ hộ tái nghèo hằng năm còn cao. Đời sống của một bộ phận người dân, nhất là người dân ở vùng cao, vùng sâu, xa còn khó khăn, khoảng cách thu nhập của các tầng lớp dân cư còn lớn. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, ở vùng đô thị hóa và thất nghiệp ở thành thị còn nhiều. Nguồn lực cho an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước với diện bao phủ và mức hỗ trợ còn thấp. Tôi cho rằng nguyên nhân của vấn đề trên là do chúng ta thiếu tập trung trong chỉ đạo điều hành và chưa chuẩn bị được nguồn lực dồi dào để tạo sức bật cho công tác xóa đói giảm nghèo. Với vùng sâu, vùng xa thì việc thoát nghèo còn gặp hàng loạt thách thức bởi ở đó là cả một hệ thống nghèo từ vật chất, tiềm năng đến chất xám của con người. Để công tác xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, ngoài việc phải bố trí được nguồn vốn, chúng ta cần phải đầu tư về vấn đề nhân lực và cán bộ ở cơ sở phải là người quan tâm, chỉ đạo sát sao về vấn đề này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.