Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý xe ôm: Quá khó!

Đặng Loan| 18/12/2010 07:43

(HNM) - Theo Quyết định 71/2010 của UBND TP Hồ Chí Minh, từ ngày 1-1-2011 người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy trên địa bàn phải có thẻ do cơ quan có thẩm quyền cấp mới được hoạt động. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, những người hành nghề không mặn mà với việc đăng ký, còn địa phương thì lúng túng vì những quy định không thực tế.


Khó quản…


Người làm nghề xe ôm không mặn mà với việc đăng ký và cấp thẻ.


Phường 26, quận Bình Thạnh là địa phương có nhiều người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe gắn máy, xe thô sơ ba bánh (được gọi là xe ôm, xe ba gác) bởi nơi đây có Bến xe Miền Đông (BXMĐ) với hàng trăm ngàn lượt khách lên xuống xe mỗi ngày. Ông Lê Văn Ngọc, Chủ tịch UBND phường cho biết, cho đến nay chưa có một người nào tự nguyện đến phường đăng ký để được cấp thẻ hành nghề. Hiện chính quyền phường đã phối hợp với công an lên danh sách những người hành nghề xe ôm và nộp lên phòng quản lý đô thị quận. Chỉ riêng BXMĐ đã có 400 người do Ban Giám đốc bến xe quản lý và 270 người thuộc 3 đội tự quản ở ngoài bến do phường quản lý. Những người này do được quản lý chặt chẽ nên có thể lên danh sách buộc họ đăng ký; còn hàng trăm người hành nghề ở các đường Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, Xô Viết Nghệ Tĩnh… thì phường không có cách nào quản được.

Có lợi hay chỉ thêm phiền phức khi đăng ký cấp thẻ hành nghề là băn khoăn có thật của những người chạy xe ôm. Anh Nguyễn Văn Mến, người đã hơn 10 năm chở khách ở BXMĐ cho rằng, có đăng ký cấp thẻ hay không cũng không ảnh hưởng gì đến chuyện chạy xe của anh cả. Vì vậy nên dù đã nghe phường phổ biến anh vẫn cứ để chờ xem sao. Không chỉ riêng anh Mến, hầu như tất cả các "tài xế" xe ôm ở đây đều… chờ!

Không có tâm lý "chờ xem sao" như những người chạy xe ôm có bến cố định và chịu sự quản lý chặt của công an phường, nhiều "bác tài" xe ôm khác thẳng thừng từ chối việc cấp thẻ. Anh Dũng hay chờ khách trong con hẻm đường Cống Quỳnh (quận 1) cho biết, xe ôm chỉ là "nghề tay trái", buổi sáng anh phụ vợ bán bún riêu trong hẻm, buổi chiều mới chạy xe ôm kiếm thêm nên không cần cấp thẻ. Tương tự, nhiều "bác tài" xe ôm cũng cho rằng đứng trong hẻm, chở khách quen nên không cần thẻ.

… Vì nhiều bất cập

Quyết định 71 của UBND TP Hồ Chí Minh được thực hiện theo Thông tư số 08/TT-BGTVT của Bộ GTVT về việc hướng dẫn sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa. Theo đó quy định, đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng các phương tiện xe thô sơ phải có trang phục hoặc biển hiệu do UBND cấp tỉnh, thành quy định để nhận biết với các đối tượng tham gia giao thông khác. Thông tư này cũng giao quyền cho UBND cấp tỉnh, thành phố căn cứ tình hình cụ thể để thực hiện.

Tuy nhiên, Quyết định 71 khi đi vào thực hiện có nhiều bất cập. Ví dụ, quy định buộc đăng ký phải có hộ khẩu và KT3, trong khi người hành nghề xe ôm phần đông là dân từ các tỉnh đổ về tạm trú, không có KT3, hộ khẩu. Quy định cũng buộc xe ôm phải đón, trả khách có bến bãi, điều này rất khó để thực hiện. Bên cạnh đó, quyết định cũng chưa nói rõ là nơi nào sẽ cấp thẻ: địa phương người hành nghề tạm trú hay nơi có bến bãi và những người hoạt động lẻ, không có bến bãi thì đăng ký ở đâu…. Ông Lê Văn Ngọc cho biết, hiện phường chỉ thống kê những người hành nghề và nộp về quận, còn việc xác định người đó có được cấp thẻ hay không thì phải chờ. Nhiều phường, quận khác cũng đang trong quá trình rà soát lên danh sách. Về những khó khăn này, ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ thuộc Sở GTVT cho biết đang tập hợp những vướng mắc phát sinh, đề xuất lên TP chỉnh sửa để thực hiện.

Nghị định 34/2010 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định, nếu người điều khiển xe mô tô, gắn máy, xe thô sơ chở hành khách, hàng hóa không có biển hiệu hoặc trang phục theo quy định sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000 đến 60.000 đồng. Tuy nhiên, Phòng CSGT cho rằng sẽ rất khó phạt vì không thể phân biệt được người nào chạy xe ôm, người nào không, và nếu người lái xe không vi phạm luật giao thông thì không thể thổi phạt. Mặt khác, dù người điều khiển phương tiện giao thông đang hành nghề xe ôm thật sự, nhưng họ chối, bảo chỉ chở người thân đi công việc thì nhà chức trách cũng đành… bó tay!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý xe ôm: Quá khó!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.