Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý xe đạp điện, xe máy điện: Loay hoay tìm giải pháp

Tuấn lương| 16/10/2015 06:50

(HNM) - Xe đạp (XĐ) điện, xe máy (XM) điện tràn ngập trên đường phố, đã và đang trở thành vấn nạn đối với trật tự ATGT, thậm chí đã có những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra.

Cơ quan chức năng vẫn đang tìm giải pháp quản lý xe đạp điện, xe máy điện hiệu quả.Ảnh: sơn hà


Khó phân biệt XĐ, hay XM điện?

Ông Ngô Văn Quyền, Phó Giám đốc Công ty CP Liên doanh Việt Thái (doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất, lắp ráp và kinh doanh XĐ, XM điện) cho biết, đang có sự nhầm lẫn giữa XM điện và XĐ điện, nhất là khi áp dụng theo quy chuẩn của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Hiện nay, chủ yếu vẫn chỉ phân biệt bằng cách, nếu xe có bàn đạp thì cho rằng đó là XĐ điện. Tuy nhiên, cái bàn đạp đó thực chất không hẳn có tác dụng. Vì thế, không thể bằng mắt thường để xác định đâu là XM điện, đâu là XĐ điện. Có nhiều trường hợp để lách luật, tránh các quy định của Nhà nước, nhà sản xuất lắp thêm bàn đạp cho giống XĐ điện, nhưng thực tế thì công suất và tốc độ là của XM điện. Trên thị trường còn nhiều loại xe chưa được kiểm tra chứng nhận chất lượng và nhiều xe biến tướng khiến người tiêu dùng (NTD) khó phân biệt.

Đại diện Công ty TNHH Ô tô Xe máy Detech cho rằng cách nhận biết tốt nhất XĐ điện là tem hợp chuẩn do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp. XM điện thì phải có giấy chứng nhận xuất xưởng và phải đăng ký. Tuy nhiên, trên thực tế, khi đưa ra thị trường thì NTD lại không cần cũng như không có ai kiểm tra, kiểm soát. Đó chính là lý do dẫn tới tình trạng xe trôi nổi tràn lan trên thị trường không thể kiểm soát. Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định, từ ngày 1-1-2014 đến 31-8-2015 số lượng XĐ điện nhập khẩu là 5.324 chiếc, tuy nhiên số lượng sản xuất, lắp ráp trong nước lên tới 47.308 chiếc. Chúng ta đã có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về XĐ điện (số hiệu QCVN 68:2013/BGTVT). Trong thực tế nhiều người không biết đến quy chuẩn đó. Với người mua, việc phân biệt XĐ hay XM điện thực tế rất khó nếu dựa vào tem. Tem chỉ phản ánh việc xe đã được kiểm định chất lượng hay chưa, bởi hiện nay số lượng xe đạp điện nhập khẩu lắp ráp chui không qua đăng kiểm rất lớn đang trôi nổi trên thị trường. Trong khi đó, ước tính số lượng xe có dán tem đạt chuẩn chỉ vào khoảng 10%. Chính NTD đang vô tình tiếp tay tiêu thụ những sản phẩm này.

Tồn tại "khoảng tối"

Trước những khó khăn trong công tác quản lý loại phương tiện giao thông này, đã có những ý kiến đề xuất thí điểm quản lý XĐ điện như xe cơ giới. Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, XĐ điện, XM điện đã ngày càng trở nên phổ biến, song hiện nay có thể vẫn còn một "khoảng tối" trong việc quản lý loại xe này. Chẳng hạn như với học sinh đi XM điện, XĐ điện dưới 16 tuổi thì không xử lý được. Đối với đối tượng này bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền vận động cần có thông báo gửi về nhà trường, gia đình để giáo dục. Với mức độ sử dụng ngày càng phổ biến và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn như hiện nay, chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu lấy ý kiến các cơ quan chức năng xem có cần quản lý XĐ điện như với xe cơ giới thay vì như với xe thô sơ như hiện nay hay không.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã đồng ý miễn, giảm lệ phí đăng ký hết ngày 30-6-2016 đối với XM điện đang lưu hành chưa thực hiện các thủ tục đăng ký khi chủ phương tiện thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu, sử dụng phương tiện; Bộ Công an cũng quyết định miễn các loại hồ sơ, chứng từ khi làm thủ tục đăng ký đối với XM điện đang lưu hành chưa đăng ký đến hết ngày 30-6-2016, gồm hóa đơn, chứng từ mua bán xe; Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (với xe nhập khẩu) hoặc phiếu kiểm định chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (với xe sản xuất, lắp ráp trong nước).

"Nới" chính sách theo hướng thuận lợi cho dân là cần thiết, song các chuyên gia cũng cho rằng cơ quan chức năng cần có văn bản yêu cầu đến thời điểm nào đó các xe không có hóa đơn, tem hợp quy, đăng kiểm mà bán trên thị trường, sẽ không được đăng ký, không được cấp đăng kiểm và sẽ bị xử phạt. Nếu cứ "thả" đến hạn ngày 30-6-2016, các DN, chủ cửa hàng cứ nhập ùn ùn linh kiện sẽ càng khiến khâu quản lý lúng túng. Vì thế, cơ quan quản lý thị trường, quản lý thuế phải yêu cầu DN, chủ cửa hàng cam kết đầy đủ về nguồn gốc hàng hóa, phân biệt cho khách hàng đâu là XM điện, XĐ đạp điện chứ không thể "lập lờ đánh lận con đen". Khi đó, thiệt hại lớn nhất thuộc về NTD, DN làm ăn chân chính cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý xe đạp điện, xe máy điện: Loay hoay tìm giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.