Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý, vận hành các hồ, đập: điều gì chưa ổn ?

ANHTHU| 01/12/2009 06:35

(HNM) - Sau những thiệt hại quá lớn do cơn bão số 9 và 11 ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, dư luận đang đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, vận hành các hồ, đập. Hiện nay, qua quá trình vận hành và sử dụng hồ, đập do lịch sử để lại, cùng với những bất cập trong công tác quản lý đang bộc lộ khiếm khuyết ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.


Đập thủy điện Hòa Bình đảm nhiệm tốt việc điều tiết nước chống hạn, chống lũ cho hạ du. Ảnh: Huyền Linh

Lời tòa soạn: Sau những thiệt hại quá lớn do cơn bão số 9 và 11 ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, dư luận đang đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, vận hành các hồ, đập. Hiện nay, qua quá trình vận hành và sử dụng hồ, đập do lịch sử để lại, cùng với những bất cập trong công tác quản lý đang bộc lộ khiếm khuyết ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, báo Hànộimới khởi đăng loạt bài: "Quản lý, vận hành các hồ đập: Bất hợp lý từ quy hoạch đến vận hành".

Bài 1: Lỗ hổng và chồng chéo

Không ai có thể phủ nhận được vai trò điều hòa, phân phối nước của các hồ, đập cả trong mùa khô lẫn mùa lũ. Điều kiện tự nhiên này đã mang lại lợi ích tổng hợp về nhiều mặt, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Song, do tác động của biến đổi khí hậu, cộng với những "nhạy cảm" trong quản lý, điều hành, dẫn đến tình trạng khai thác và phòng chống lũ chưa thật sự hiệu quả.

Lợi ích lớn

Bộ NN&PTNT cho biết, đến nay, cả nước đã xây dựng và đưa vào khai thác 5.579 hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 35,8 tỷ mét khối, trong đó, có 26 hồ chứa thủy điện, dung tích trữ thiết kế 2,7 tỷ mét khối, còn lại là các hồ chứa thuỷ lợi có dung tích 8,8 tỷ mét khối, đảm nhiệm tưới cho 80 vạn héc-ta cây trồng. Nghệ An là địa phương có số lượng hồ chứa nhiều nhất (625 hồ lớn, nhỏ), tiếp đến là Hòa Bình (521), Đắc Lắc (458), Thanh Hóa (436), Hà Tĩnh (339), Vĩnh Phúc (227), Bình Định (223), Phú Thọ (124)… Hà Nội có 91 hồ với tổng dung tích 185 triệu mét khối, trong đó, hồ Đồng Sương, Suối Hai và Quan Sơn dung tích mỗi hồ lớn hơn 10 triệu mét khối. Hầu hết các hồ, đập có sức chứa lớn tập trung trên lưu vực sông Hồng và sông Đồng Nai, như các hồ: Hòa Bình, Thác Bà, Trị An, Thác Mơ và Đa Nhim; các hồ, đập trữ nước tưới lưu vực sông ở miền Trung với sức chứa không lớn. Với số lượng lớn hồ, đập trữ nước hiện có, chúng đã đóng vai trò tích cực trong phòng, chống lũ, giảm nhẹ thiên tai và một số lợi ích khác như điều hòa khí hậu, lưu thông thủy lợi, chống ô nhiễm, khống chế nước mặn, cung cấp nước sinh hoạt, tăng quỹ đất ngập nước và nghề cá nước ngọt… Không những thế, các hồ, đập còn có ý nghĩa lớn phục vụ sản xuất điện. Đơn cử như hồ Hòa Bình với dung tích hồ chứa 9,5 tỷ mét khối, trong đó dung tích phòng lũ 5,6 tỷ mét khối, dung tích hữu ích để khai thác năng lượng là 5,65 tỷ mét khối. Hiện đang sản xuất, cung cấp khoảng 40% năng lượng điện cho cả nước và đảm nhiệm điều tiết nước chống hạn, chống lũ cho hạ du.


Việc xả lũ Thủy điện A Vương trong cơn bão số 9 khiến nhiều nơi tại tỉnh Quảng Nam phải chịu cảnh ngập lụt nặng nề.

Chồng chéo trách nhiệm

Qua thực tế sử dụng tài nguyên nước cho thấy, công tác quản lý còn phân tán, chưa rõ trách nhiệm chính thuộc cơ quan, đơn vị nào. Bộ NN&PTNT lo tưới, tiêu, sản xuất nông nghiệp, phòng chống lụt bão; Bộ Công thương lo phát điện; Bộ Tài nguyên và Môi trường lo tác động môi trường, hạ lưu… Qua những trận lũ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng vừa qua ở miền Trung và Tây Nguyên đã đặt ra vấn đề cấp bách cần có một cơ chế chung, "tổng chỉ huy" về quản lý hồ chứa để bảo đảm an toàn và tham gia tích cực vào giảm nhẹ thiên tai.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia về thủy lợi, ở miền Trung hầu hết là hồ thủy điện nhỏ, không thể điều tiết lũ nên lũ mới về hồ đã đầy, buộc phải xả liên tục chứ không giữ được nước. Vào mùa cạn, các hồ thủy điện phải giữ đủ một lượng nước nhất định mới có thể phát điện, điều này dễ gây ra tình trạng hạn hán ở hạ lưu. Như Nhà máy Thủy điện A Vương (Quảng Nam) có công suất 210MW, lớn gấp đôi Thủy điện Thác Bà (Yên Bái) nhưng phạm vi mặt thoáng tạo thành hồ chứa chỉ 9,09km2 với dung tích 343,55 triệu mét khối, trong khi dung tích hồ chứa của Thác Bà lên tới 1,4 tỷ mét khối. Điều này lý giải việc hồ Thác Bà đã làm tốt chức năng chứa và điều tiết, không gây ra vấn đề gì đối với hạ lưu. Còn A Vương, chỉ cần một trận lũ lớn sẽ làm đầy hồ nhanh chóng, vì vậy buộc phải tính đến phương án giữ an toàn cho công trình. Theo ông Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, khi xem xét dự án thủy điện vừa và lớn, Bộ NN&PTNT đều yêu cầu các hồ chứa phải có nhiệm vụ chống lũ. Tuy nhiên khi vận hành, thì không rõ việc đó được thực hiện thế nào. Cơ quan được giao phụ trách vấn đề này là Cục Thủy lợi thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức lại chưa rõ ràng nên chỉ lo được những hồ đập, công trình trong ngành thủy lợi.

Và những hệ lụy

Thiệt hại quá lớn từ cơn bão số 9 và 11 khi đổ bộ vào các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vừa qua đã cho chúng ta bài học đắt giá về mức độ dữ dằn của lũ thiên nhiên. Tại vùng thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, qua thống kê có đến hàng chục nhà máy thủy điện bậc thang loại lớn, vừa và nhỏ đã, đang xây dựng và đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Giang, cho đến nay, ở khu vực này (miền Trung) vẫn chưa có quy trình quản lý liên hồ. Thực tế này đặt ra vấn đề, nếu quản lý hồ không theo quy trình, duy trì mức nước hồ quá cao trong mùa mưa, không kịp thời xả nước trước khi có dự báo mưa lũ, đến khi cấp bách phải xả nước hồ cùng với lũ tự nhiên đang về thì việc "lũ chồng lũ" sẽ xảy ra. Mức độ thiệt hại sẽ lớn hơn khi trên cùng một lưu vực sông có nhiều hồ khác nhau.

Về lĩnh vực này ở các hồ lớn trên lưu vực sông Hồng có quy trình đầy đủ trước, trong và sau lũ, đến khi xả lũ có thông báo với địa phương. Ví dụ như hồ thủy điện Hòa Bình, trước mùa lũ phải giữ mực nước thấp từ 92 đến 97m so với cao trình của hồ là 117m, dung tích dư ra là dung tích chống lũ. Khi nhận được thông báo mưa bão của cơ quan khí tượng thủy văn thì phải làm theo quy trình xả lũ đã vạch ra. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học, tất cả các loại hồ đều phải có quy trình tích, xả lũ. Với hồ thủy lợi, tùy thiết kế của mỗi hồ mà có quy trình, quy định riêng về thời điểm tích lũ, mức tích lũ và thời điểm xả lũ, quy trình xả. Tuyệt đối không xả lũ xuống hạ lưu khi đang có lũ. Với hồ thủy điện, khi đưa vào vận hành cũng phải có quy trình tích, xả lũ theo quy mô thiết kế, dung tích phòng lũ của mỗi hồ. Tuy nhiên, có thực tế khi xây dựng hồ thủy điện các đơn vị đã không xây thêm hồ phòng lũ.

Nhóm PV NN-NT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Quản lý, vận hành các hồ, đập: điều gì chưa ổn ?

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.