(HNM) - Một câu hỏi luôn được đặt ra, đó là nguyên nhân của việc điều chỉnh quy hoạch...
Thực trạng cần suy ngẫm
Dưới góc độ của cơ quan tham mưu, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác này, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Văn Hải khẳng định việc điều chỉnh quy hoạch là hoàn toàn khách quan. Viện dẫn quy định tại Điều 46 Luật Quy hoạch đô thị về thời hạn rà soát để điều chỉnh kịp thời các quy hoạch đô thị là 5 năm đối với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị và 3 năm đối với quy hoạch chi tiết, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch là tất yếu bởi quy hoạch đô thị là khoa học mang tính dự báo. Mặt khác, quy hoạch đô thị phải được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của khu vực phù hợp với hoàn cảnh mới là điều cần thiết. Cùng với đó, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẳng định, các đồ án quy hoạch đã hội tụ trí tuệ tập thể, có sự đóng góp của tất cả các ngành, lĩnh vực.
Việc xây dựng hạ tầng xã hội tại khu đô thị Linh Đàm thực hiện rất chậm. Ảnh: Trung Kiên |
Rõ ràng trong một số dự án, việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết. Tuy nhiên, ở một số dự án cụ thể có sự điều chỉnh chưa hợp lý. Điển hình là tại Khu đô thị Linh Đàm, trong khi dân cư gần như lấp kín thì hầu hết các dự án chỉnh trang, hệ thống cây xanh mới đang triển khai; hạ tầng xã hội thực hiện chậm, đặc biệt là việc xây dựng trường học; không quy hoạch đất công cộng làm trụ sở phường, tổ dân phố… Còn tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), một số người dân cho biết, quy hoạch ban đầu có cả trung tâm thương mại, hồ điều hòa, sân chơi, nhưng cuối cùng, qua điều chỉnh, hầu hết diện tích phục vụ lợi ích công cộng đều được xây thêm chung cư hoặc trở thành nhà ở liền kề. Tương tự, tại khu đất số 3 Lương Yên (quận Hai Bà Trưng), từ đất trông xe, xây trường học nay làm nhà cao tầng; diện tích 1,3ha dành xây chợ của huyện Từ Liêm điều chuyển thành trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp; tại 29 Láng Hạ, từ đất xây trường học sau bốn lần điều chỉnh đã biến thành đất xây nhà, từ nhà thấp tầng thành 25 tầng…
Đặc biệt, còn xảy ra tình trạng một số chủ đầu tư xây dựng sai quy hoạch, khi bị phát hiện lại làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa sai phạm. Ví dụ như dự án xây dựng khu nhà ở Công ty Megastar tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai; tòa nhà 200 Quang Trung, quận Hà Đông… Thậm chí tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), chủ đầu tư xây dựng tòa nhà 9 tầng để bán trong khi chưa hoàn thiện thủ tục giao đất, chưa được cấp phép xây dựng…
Cần có cái nhìn tổng thể, khách quan
Đánh giá về quy hoạch xây dựng Hà Nội, cần có cái nhìn tổng thể, khách quan để đánh giá, phân tích vấn đề này, thấy rõ những mặt được và chưa được, từ đó đề ra giải pháp khắc phục.
Về quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trước thời điểm hợp nhất với Hà Tây (1-8-2008), Hà Nội đã quan tâm nghiên cứu, lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 108/1998/QĐ-TTg ngày 20-6-1998. 12/12 quận, huyện đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết kèm theo Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch. Song sau khi chính thức mở rộng địa giới hành chính, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội cần có những điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Để thực hiện vấn đề này, UBND thành phố đã tích cực trong chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành của trung ương rà soát, lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7-2011. Và đây chính là "xương sống" cho mọi quy hoạch của Hà Nội, nói cách khác tất cả các quy hoạch đều phải được điều chỉnh đề phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nguyên nhân khách quan này đã có những tác động quan trọng đến hệ thống các quy hoạch của Hà Nội.
Sau thời điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (tháng 7-2011), Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện quy hoạch. Đặc biệt, năm 2012 còn được thành phố chọn là "Năm quy hoạch" để dồn toàn lực cho công tác này. 30/32 đồ án quy hoạch chung xây dựng các huyện, thị xã, thị trấn và các đô thị vệ tinh đã được phê duyệt, trong đó đã thông qua Hội đồng thẩm định 8 đồ án. Thành phố đã triển khai 34 quy hoạch phân khu, trong đó đã phê duyệt 10/34 đồ án; đã thông qua tập thể UBND thành phố và đang hoàn thiện 7 đồ án; đã phê duyệt và trình Chính phủ phê duyệt 14/20 quy hoạch ngành, chuyên ngành…
Trong thời gian chưa đầy 2 năm, với điều kiện phạm vi quy mô lập quy hoạch gấp hơn 3 lần giai đoạn trước khi mở rộng địa giới hành chính; khối lượng các quy hoạch phải lập, thẩm định, phê duyệt lớn, nhiều quy hoạch có tính chất phức tạp, yêu cầu hoàn thành trong thời gian ngắn… có thể nói kết quả trên là sự nỗ lực vượt bậc của Hà Nội. Những khiếm khuyết, bất cập bộc lộ cũng là điều khó tránh khỏi trong phạm vi từng dự án, từng quy hoạch cụ thể, quy hoạch chuyên ngành. Song xét về tổng thể, ở tầm vĩ mô, việc điều chỉnh các quy hoạch cho phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là cần thiết để phục vụ cho chiến lược phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sự ngổn ngang, bề bộn công việc trong bức tranh quy hoạch của ngày hôm nay có thể nói là điều phải chấp nhận để có một Hà Nội văn minh, hiện đại trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.