Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý trong lĩnh vực y tế: Rối như tơ vò

Thu Trang| 27/12/2013 06:14

(HNM) - Dù được phân cấp rõ ràng nhưng công tác quản lý trong lĩnh vực y tế vẫn rơi vào tình trạng

Phối hợp kém hiệu quả

Với ngành y tế, năm 2013 là một năm không êm ả với bao chuyện buồn, điển hình như trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin, vụ phi tang xác bệnh nhân tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, nhân bản kết quả xét nghiệm, trẻ tử vong tại phòng khám chui... Thẳng thắn chỉ rõ những yếu kém trong công tác quản lý của ngành y tế, theo Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Khá, sự phối hợp giữa ngành y tế và chính quyền địa phương chưa kịp thời. Điển hình như vụ 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho thấy Bộ Y tế chưa kịp thời vào cuộc cùng với địa phương để đưa ra hướng xử lý rõ ràng và phân trách nhiệm cụ thể. Do đó, vụ việc xảy ra từ tháng 7 nhưng đến nay mới chỉ có kết quả điều tra sơ bộ từ phía Công an Quảng Trị, qua đó khởi tố 2 nhân viên y tế sơ ý làm sai quy trình tiêm chủng. Còn cụ thể vụ việc như thế nào, đến nay ngành chức năng Quảng Trị chưa có trả lời rõ ràng với Bộ Y tế.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành y tế. Ảnh: Bảo Lâm


Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, lâu nay, chúng ta thực hiện phân cấp "tương đối mạnh" cho chính quyền địa phương, vì thế, khi sự việc xảy ra trên địa bàn của địa phương nào thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm, không thể đổ hết lên đầu Bộ Y tế. "Bộ máy ngành y tế hiện nay phân tán, cơ sở khám chữa bệnh không phép mà chính quyền địa phương không hề hay biết. Chính quyền địa phương mà như thế thì công tác quản lý tê liệt", ông Nguyễn Sỹ Cương nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, mô hình hệ thống tổ chức y tế ở Việt Nam hiện nay có sự phân quyền giữa trung ương và địa phương theo nguyên tắc song trùng trực thuộc. Điều đó có nghĩa là Bộ Y tế quản lý ngành, chính quyền địa phương quản lý theo lãnh thổ. Theo đó, các cơ sở y tế vừa chịu sự quản lý về chuyên môn thông qua các quy định do Bộ Y tế ban hành, vừa chịu sự lãnh đạo của địa phương về tổ chức, nhân lực y tế. Tuy nhiên, trên thực tế, sự nhận thức cũng như hành động liên quan đến trách nhiệm công vụ của từng chức danh vẫn chưa rõ ràng, minh bạch.

Nói về nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước theo ngành với quản lý nhà nước theo lãnh thổ trong lĩnh vực y tế, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay, mô hình hệ thống y tế Việt Nam được tổ chức theo 4 cấp phụ thuộc vào hệ thống tổ chức nhà nước (trung ương, tỉnh, huyện, xã). Cơ chế quản lý ở tuyến huyện, xã vận hành chưa thật sự rõ ràng. Mặt khác, trong một tỉnh cũng có các phương thức quản lý khác nhau, nơi quản lý theo ngành dọc, nơi thì vẫn quản lý ngang, có nơi kết hợp cả ngang và dọc. "Việc tuyển dụng, sử dụng, miễn nhiệm, kỷ luật công chức, viên chức y tế tuyến tỉnh đều thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Nếu Bộ Y tế phát hiện cán bộ, nhân viên y tế cấp tỉnh trở xuống vi phạm thì Bộ cũng chỉ có thể đề nghị xử lý mà thôi", TS Nguyễn Huy Quang nói.

Lực lượng chuyên trách: Bao nhiêu mới đủ?

Nói về lực lượng chuyên trách trong công tác quản lý của ngành y tế, các đại biểu đưa ra nhận xét khá khôi hài: Khi có vụ việc xảy ra thì việc đầu tiên là đổ lỗi cho lực lượng chức năng mỏng. Thế nhưng, chưa ai đưa ra được ý kiến thuyết phục, rằng lực lượng thế nào là mỏng và thế nào thì đủ?

Quả thật, nếu nhìn vào mạng lưới y tế có tới 30 nghìn cơ sở khám chữa bệnh, 39 nghìn cửa hàng thuốc nhưng cả nước chỉ có 250 thanh tra y tế thì đúng là khó mà thanh - kiểm tra hết được. Có lẽ bởi thế mà lâu nay xảy ra tình trạng cơ sở y tế được cấp phép xong là muốn làm gì thì làm. Trong thực tế, hiệu quả thanh - kiểm tra còn được quyết định bởi cách thực hành công vụ của cán bộ thanh tra. Lâu nay, chủ cơ sở y tế tư nhân xin cấp phép cho đủ thủ tục, yên tâm không có ai "sờ" đến, thậm chí coi việc thanh - kiểm tra như "đá ném ao bèo", kiểm tra, xong rồi đâu lại vào đấy. Chính vì như thế nên mới có chuyện "sai phạm chồng lên sai phạm" ở một cơ sở y tế. "Vậy, các cơ quan quản lý đề xuất xem lực lượng chuyên trách cần bao nhiêu người là đủ?", ông Nguyễn Sỹ Cương đặt câu hỏi.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, không thể chỉ trông chờ vào lực lượng thanh tra, quan trọng là câu chuyện trách nhiệm của chính quyền địa phương cần phải được làm rõ. Đối với cấp phường, xã, có thể việc kiểm tra chuyên ngành khó thực hiện, nhưng đối với cấp quận, huyện thì khác, rõ ràng phải có trách nhiệm trong sự việc xảy ra trên địa bàn. Không thể có chuyện cơ sở hành nghề trái phép trên địa bàn mà không cán bộ địa phương nào hay biết, xảy ra việc đau lòng mà tất cả bình yên vô sự được.

Chiều 26-12, tại buổi gặp mặt báo chí cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: Mục tiêu trọng tâm năm 2014 của ngành y tế là hoàn thiện mạng lưới y tế các tuyến. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ cấp 1.400 điện thoại cho các cơ sở y tế để duy trì hiệu quả hoạt động của đường dây nóng, xử lý kịp thời đối với ý kiến phản hồi về thái độ của y bác sĩ, quy trình khám chữa bệnh, gương sáng của thầy thuốc.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý trong lĩnh vực y tế: Rối như tơ vò

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.