(HNM) - Không còn tổ chức thanh tra xây dựng (TTrXD) cấp quận, huyện và cấp xã, phường (gọi chung là cấp huyện, xã) thì quản lý trật tự xây dựng sẽ theo hướng nào?
Ảnh minh họa |
Để bảo đảm mỹ quan, quản lý hạ tầng đô thị, đất đai, những năm 1985-1987, các quận, huyện, xã, phường, thị trấn của Hà Nội đã thành lập các đội quy tắc, tổ quản lý trật tự xây dựng (TTXD). Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 100/2002/QĐ-TTg và Quyết định 89/2007/QĐ-TTg (QĐ 89), các tổ, đội TTXD của Hà Nội được tổ chức lại, chuẩn hóa thành lực lượng TTrXD cấp huyện, xã. Đến nay, TP Hà Nội có khoảng 1.700 người làm công tác TTrXD, trong đó cấp huyện hơn 500 người, cấp xã gần 1.200 người... Sau 5 năm thực hiện QĐ 89, công tác quản lý TTXD trên địa bàn Hà Nội dần đi vào nền nếp. Nhiều nơi, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có trách nhiệm hơn trong quản lý TTXD; tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm chuyển biến tích cực; số công trình được kiểm tra, xử lý vi phạm đạt tỷ lệ cao; ý thức chấp hành pháp luật của chủ đầu tư tăng lên; nhiều hành vi vi phạm TTXD, đất đai đã kịp thời được ngăn chặn, hạn chế số vụ vi phạm gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn "sạn" khi TTrXD tại nhiều địa phương còn phải ôm đồm quá nhiều việc ở các lĩnh vực khác nhau. Việc tuyển dụng người vào vị trí quản lý TTXD còn chưa đúng, chưa trúng nên thiếu sự chuyên nghiệp…
Thực hiện Luật Thanh tra năm 2010, ngày 29-3-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 26/2013/NĐ-CP (NĐ 26) về thanh tra ngành xây dựng. Theo đó, từ ngày 15-5-2013, việc thí điểm thành lập TTrXD cấp huyện, xã theo QĐ 89 sẽ chấm dứt, thay vào đó chỉ còn lại hai cấp thanh tra là Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Sở Xây dựng. Riêng hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh được tổ chức các đội đặt tại địa bàn cấp huyện do Sở Xây dựng quản lý. Qua tìm hiểu tại một số quận, huyện, thị xã: Cầu Giấy, Hà Đông, Từ Liêm, Thanh Oai, Sơn Tây…, chúng tôi nhận thấy nhiều cán bộ ở các địa phương này đều cho rằng Quyết định 89 vẫn phù hợp với thực tế quản lý TTXD, bởi khi xử lý vi phạm TTXD cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị: Tư pháp, công an, điện lực, kinh doanh nước sạch... Hơn nữa, năm 2010, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 04 quy định rõ UBND cấp huyện, xã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi công trình xây dựng trên địa bàn với nguyên tắc vi phạm phải bị phát hiện xử lý kịp thời. Quy định này khiến lãnh đạo nhiều cơ sở của Hà Nội lo lắng không hoàn thành nhiệm vụ quản lý TTXD khi không còn lực lượng TTrXD trực thuộc. Chưa kể, thời hạn NĐ 26 có hiệu lực đã gần "áp chót", nhưng đến nay chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về sắp xếp tổ chức, cơ chế hoạt động của TTrXD…
Ông Chu Mạnh Đức, Chánh TTrXD huyện Từ Liêm cho biết: TTrXD huyện Từ Liêm hiện có 100 người, trong đó chỉ có 26 thanh tra viên, số còn lại là công chức, viên chức, lao động hợp đồng không đủ điều kiện trở thành thanh tra viên, do chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện NĐ 26 nên nhiều người bị áp lực tâm lý khá nặng nề vì không biết sẽ "đi đâu, về đâu"… Nếu chỉ có đội TTrXD đặt tại các quận, huyện thì việc bảo đảm TTXD sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn vì việc nắm địa bàn sẽ không thể bằng người làm việc tại địa phương, công tác phối kết hợp cũng thiếu sự chủ động...
Cũng như ý kiến của nhiều lãnh đạo quận, huyện khác, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng cho rằng: Khi TTrXD không trực thuộc UBND cấp huyện, xã thì công tác quản lý TTXD sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, cấp huyện, xã vẫn cần lực lượng tương tự như TTrXD, hoạt động giống mô hình thí điểm của QĐ 89, chỉ thay đổi tên gọi cho phù hợp, đồng thời điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ để khỏi chồng chéo, trùng lặp với đội TTrXD… Lãnh đạo nhiều phường của quận Cầu Giấy cũng đồng tình cho rằng, nếu không còn TTrXD cấp phường thì vi phạm khó được xử lý ngay từ khi mới phát sinh vì chỉ người địa phương mới biết rõ công trình xây dựng có nguồn gốc thế nào, có đúng quy hoạch hay không...
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 26, ngày 2-4-2013, Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND TP chỉ đạo các quận, huyện… tăng cường trách nhiệm quản lý, chỉ đạo lực lượng TTrXD tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn… Đây được coi như động thái của Sở Xây dựng để chống lại tư tưởng "giã đám" của một số TTrXD các huyện, xã trong giai đoạn chuyển giao quan trọng này…
TTrXD hoạt động theo mô hình nào để đáp ứng nhu cầu quản lý TTXD trong thực tiễn đang là nỗi trăn trở của nhiều người vì khoảng trống về quản lý TTXD sau ngày 15-5-2013 đang đến rất gần. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành văn bản hướng dẫn để các địa phương chủ động sắp xếp nhân lực, lựa chọn phương án phù hợp cho công tác quản lý trong lĩnh vực khá "nóng" này…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.