Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý trật tự xây dựng năm 2013: Xử lý dứt điểm vi phạm nổi cộm

Y Linh| 19/01/2013 06:17

(HNM) - Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013, liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD), Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc xử lý vi phạm còn chậm so với yêu cầu tiến độ UBND TP chỉ đạo.

Theo số liệu tổng hợp từ các quận, huyện và thị xã, trong năm 2012, qua kiểm tra 16.233 công trình, phát hiện 3.028 trường hợp vi phạm, phải lập biên bản xử lý. Trong đó, nhiều nhất là xây dựng không phép 1.688 vụ. Còn lại là các vụ xây dựng sai phép (383 vụ); trái phép và vi phạm khác (957 vụ). Trong khi xây dựng không phép, sai phép, vi phạm mật độ, chiều cao, khoảng lùi công trình… ở khu vực nội thành có xu hướng tái phát, mức độ ngày càng nghiêm trọng, thì ở ngoại thành, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn diễn ra phức tạp.

Các công trình xây dựng vi phạm nổi cộm, nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” sẽ sớm bị xử lý. Ảnh: Thái Hiền


Ngoài số lượng công trình vi phạm bị phát hiện, cho tới những ngày cuối cùng của năm, toàn TP vẫn còn 283 công trình vi phạm TTXD, lấn chiếm đất đai trong tổng số 788 trường hợp tồn tại mà TP yêu cầu xử lý dứt điểm trong năm 2012. Trong số 283 công trình này có 54 trường hợp vi phạm TTXD, 229 trường hợp lấn chiếm đất. Điển hình là những công trình vi phạm TTXD nghiêm trọng, UBND TP phải chỉ đạo quyết liệt, xử lý dứt điểm như 55A 55B, 53D Bà Triệu (Hoàn Kiếm); công trình xây dựng không phép 5 tầng do Học viện Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư tại xã Phù Linh (Sóc Sơn); các công trình vi phạm TTXD trên địa bàn phường Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng)…

Phân tích về nguyên nhân, lãnh đạo nhiều quận, huyện đều cho rằng ý thức chấp hành pháp luật của người dân kém, cố tình xây dựng không phép, sai phép kể cả khi đã được nhắc nhở, lập biên bản xử lý, đã gây không ít khó khăn cho chính quyền và lực lượng chức năng. Lãnh đạo một quận có nhiều công trình vi phạm cho biết, ngay cả khi chủ đầu tư có đơn xin tự phá dỡ chính quyền cũng không dám hy vọng là họ sẽ phá nhanh, đúng tiến độ cam kết, luôn luôn phải chuẩn bị sẵn phương án cưỡng chế vì họ nại ra đủ lý do, vừa phá dỡ vừa nghe ngóng động thái của chính quyền. Theo Chánh Thanh tra Xây dựng quận Hoàn Kiếm Nguyễn Đình Tĩnh, với những quận đất chật người đông, giá trị nhà đất lớn, việc cố tình vi phạm TTXD là khá phổ biến. Đương nhiên, khi đã cố tình vi phạm họ cũng có rất nhiều thủ đoạn đối phó. Ông Tĩnh kể, không ít công trình khi lực lượng chức năng đến kiểm tra thì bảo vệ khóa cổng không cho vào với lý do chủ đầu tư đi vắng, công trình dừng thi công. Khi vào được lại có lý do mất điện, không vận thang đưa tổ công tác lên kiểm tra, trong khi công trình cao tầng không có thang bộ. Trong quá trình làm việc, nhiều lúc lực lượng thanh tra cũng chịu sức ép lớn từ mối quan hệ của chủ đầu tư.

Nhiều khu tập thể “đeo ba lô” gây mất mỹ quan đô thị. Ảnh: Đức Nghiêm


Bên cạnh đó, việc thiếu quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị để quản lý cấp phép xây dựng hoặc quy hoạch treo và hạn chế trong cấp phép xây dựng tạm với khu vực quy hoạch treo… cũng dễ dẫn đến tiêu cực. Không ít trường hợp cấp phép tạm 3 tầng nhưng xây thành 4-5 tầng do quy mô cấp phép nhỏ không đáp ứng nhu cầu ở của người dân. Một số khu tập thể không đủ điều kiện cấp phép xây dựng (do chưa bàn giao cho cơ quan quản lý nhà hoặc bán theo NĐ 61/CP), nay xuống cấp, nhu cầu cải tạo, xây dựng là có thực nên dẫn tới tình trạng xây dựng tự phát, lộn xộn và khiến lực lượng chức năng lúng túng. Chưa kể, Hà Nội mặc dù có tổ chức Thanh tra Xây dựng đến cấp phường, xã nhưng lực lượng này mỏng và yếu. Một phường quản lý hàng trăm đầu việc, với hàng vạn dân mà chỉ có 25 công chức và khoảng 10 nhân viên hợp đồng, trong khi theo quy định phân cấp kiểm tra, xử lý vi phạm TTXD chịu trách nhiệm chính là cấp phường, xã. Lãnh đạo Sở Xây dựng thừa nhận, lực lượng Thanh tra Xây dựng hiện còn yếu về nghiệp vụ, bản lĩnh, còn nể nang, ngại va chạm. Hầu hết những trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc là bị lập biên bản nhiều lần nhưng đều để cho "tròn" hồ sơ mà không bị xử lý rốt ráo, hoặc là đến khi bị phát hiện thì mức độ sai phạm đã nghiêm trọng. Những trường hợp như vậy xử lý khó khăn hơn nhiều trường hợp phát hiện, xử lý ngay từ khi mới manh nha vi phạm. Phó Giám đốc Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, trong năm, cùng với xử lý công trình vi phạm, Sở và các quận, huyện đã kỷ luật 142 cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, không làm tròn trách nhiệm, để xảy ra vi phạm. Trong số đó chủ yếu là Thanh tra Xây dựng.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, Sở đã đặt kế hoạch xử lý dứt điểm các công trình vi phạm TTXD nổi cộm và các công trình "siêu mỏng", "siêu méo" trong quý I-2013. Tăng cường quản lý TTXD, nâng cao chất lượng cấp phép để tạo điều kiện cho tổ chức, công dân xây dựng đúng quy hoạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát theo quy hoạch, giấy phép, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý…là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2013.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý trật tự xây dựng năm 2013: Xử lý dứt điểm vi phạm nổi cộm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.