Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý trật tự xây dựng: Hoàn thiện mô hình hiệu quả

Dạ Khánh| 16/02/2023 06:12

(HNM) - Sau 3 lần chuyển đổi mô hình quản lý, từ tháng 8-2018, Hà Nội điều chuyển lực lượng thanh tra xây dựng từ Sở Xây dựng về các quận, huyện, thị xã để thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng trực thuộc UBND cấp huyện.

Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàn Kiếm kiểm tra, xử lý một công trình vi phạm trên địa bàn.

4 lần thay đổi mô hình

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho hay, đến nay, Hà Nội đã 4 lần chuyển đổi mô hình quản lý trật tự xây dựng. Trước tháng 5-2013, lực lượng này được đặt ở quận, huyện, thị xã. Thực hiện Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 29-3-2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng, từ tháng 5-2013, đội ngũ này được chuyển về Sở Xây dựng quản lý.

Song, thực tế hoạt động trong giai đoạn này cho thấy sự phối hợp giữa thanh tra xây dựng và chính quyền địa phương còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả xử lý vi phạm chưa cao. Từ ngày 1-9-2016, UBND thành phố Hà Nội tạm giao chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp thanh tra xây dựng.

Tình hình trật tự xây dựng đã có chuyển biến rõ rệt, số công trình vi phạm giảm, nhưng mô hình này vẫn còn một số hạn chế, như: Thanh tra xây dựng tại cơ sở chịu sự chỉ đạo điều hành của cả Thanh tra Sở Xây dựng và chính quyền địa phương nên có sự chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm...

Vì vậy, từ tháng 8-2018, thành phố Hà Nội thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Lực lượng thanh tra xây dựng đóng tại địa bàn các quận, huyện, thị xã (gồm 1.393 cán bộ, công chức, lao động hợp đồng) do Thanh tra Sở Xây dựng quản lý được điều chuyển về UBND cấp huyện.

Cùng với đó, UBND thành phố ban hành quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị và các đơn vị liên quan, theo hướng tăng hiệu quả phối hợp phát hiện, xử lý vi phạm.

Vi phạm giảm mạnh

Đánh giá về kết quả sau hơn 4 năm thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng nhận xét, việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến tích cực. Các công trình xây dựng được kiểm tra, kiểm soát, vi phạm được phát hiện kịp thời. Tỷ lệ công trình vi phạm giảm mạnh. Nếu năm 2017, tỷ lệ công trình vi phạm trật tự xây dựng là 10,99% (1.916/17.422 công trình xây dựng) thì năm 2018 giảm còn 5,28% (891/16.885 công trình xây dựng), năm 2019 tiếp tục giảm còn 3,07% (605/19.697 công trình xây dựng). Đến năm 2022, tỷ lệ công trình vi phạm chỉ còn 1,67% (320/19.211 công trình).

“Mô hình này tạo sự thống nhất, tập trung trong chỉ đạo, điều hành, quản lý trật tự xây dựng tại địa phương. Trong đó, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm toàn diện”, ông Hoàng Cao Thắng nêu.

Tuy nhiên, do đây là mô hình thí điểm nên còn bất cập trong quá trình thực hiện, như khó khăn trong sắp xếp bộ máy và hoạt động theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, dẫn đến cán bộ, công chức không yên tâm công tác...

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Hùng Toàn cho rằng, đội quản lý trật tự xây dựng đã có từ năm 1990, trải qua nhiều mô hình khác nhau nhưng vẫn là lực lượng rất quan trọng để bảo đảm quản lý hoạt động xây dựng tại địa phương. Khẳng định mô hình đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND cấp huyện là hợp lý, hiệu quả, lãnh đạo huyện Thanh Trì đề nghị cơ quan chức năng sớm “chốt” mô hình chính thức để cán bộ, công chức yên tâm làm việc.

Ở góc độ lực lượng quản lý trật tự xây dựng, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàn Kiếm Vũ Tuấn Trung bày tỏ, từ khi chịu sự điều hành trực tiếp của UBND quận, mọi tham mưu, đề xuất, kiến nghị của đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đều được lãnh đạo quận xem xét, chỉ đạo cụ thể, sát sao.

“Còn 6 tháng nữa là hết thời hạn thí điểm, nên nhiều anh em cũng rất tâm tư. Các cán bộ, viên chức trong đội đều có nguyện vọng được là tổ chức hành chính trực thuộc UBND quận”, ông Vũ Tuấn Trung chia sẻ.

Khẳng định mô hình thí điểm hiện nay là phù hợp với thực tiễn quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô, do đến ngày 10-8-2023 là hết thời gian thí điểm, Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm cho đến khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành. Đồng thời, đề nghị luật này có điều khoản cho phép Hà Nội được thành lập cơ quan đặc thù nằm ngoài quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý trật tự xây dựng: Hoàn thiện mô hình hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.