(HNMO) – Sáng nay (12-12), Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch (VHTT&DL) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác quản lý và tổ chức Lễ hội năm 2013 với sự tham gia của tất cả các đơn vị quản lý ở các địa phương, được thực hiện dưới hình thức trực tuyến 3 miền Bắc – Trung – Nam.
Lễ hội Chùa Hương hàng năm đón hàng vạn lượt khách tham dự |
* Công khai tiền công đức
Theo báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở, tính đến tháng 10-2013, Bộ VHTT&DL tổ chức 7 đoàn kiẻm tra tại 36 điểm di tích/17 tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng Thanh tra bộ VHTT&DL đã tổ chức 2 đợt kiểm tra tại 46 di tích/17 tỉnh, thành phố. Kết quả, thanh tra xử ly vi phạm hành chính 2 triệu đồng tại Chùa Hương và Đến Sóc (Hà Nội), thu 336 địa lậu và 270 các loại sách, báo văn hóa phẩm tại thành phố Hải Phòng… Bên cạnh đó, Thanh tra Sở VHTT&DL các địa phương cũng tiến hành xử lý nhiều vụ vi phạm, các hành vi cờ bạc, lừa đảo, móc túi…
Tại Hội nghị, đại diện Thanh tra Bộ VHTT&DL nhấn mạnh, trong năm 2013, cơ quan quản lý văn hóa tăng cường quản lý việc thu, chi hòm công đức. Một số địa phương có mô hình quản lý và sử dụng tiền công khai minh bạch, điển hình là đền Cửa Ông (Quảng Ninh) báo cáo thu được 30 tỷ đồng tiền công đức năm 2013, đền Kiếp Bạc(Hải Dương) là 15,5 tỷ đồng, Đền Hùng, đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ) là 18 tỷ đồng… Khu vực phía Nam, Lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang) thu số tiền công đức khá lớn là 76 tỷ đồng; lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh) là 36 tỷ đồng… Tổng kết, tiền công đức trong các lễ hội của cả nước thu được tổng là 231,413 tỷ đồng trong năm 2013.
Nhiều lễ hội công khai việc thu hòm công đức |
Tuy nhiên, theo như bản báo cáo của Thanh tra Bộ VHTT&DL, những con số thống kê về số tiền công đức tại một số lễ hội, di tích tại các địa phương vẫn chỉ là báo cáo về khoản thu, còn khoản chi vẫn chưa được thể hiện rõ trong Hội nghị lần này. Hiện nay, việc quản lý tiền công đức vẫn là một trong những vấn đề được xã hội quan tâm. Tại hội nghị, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh việc quản lý công khai minh bạch tiền công đức tại các lễ hội và khu di tích.
* Bất cập quản lý vẫn chưa được khắc phục
Bên cạnh những thống kê cụ thể về những việc làm được trong công tác quản lý lễ hội, theo đại diện của nhiều địa phương, hiện nay công tác quản lý lễ hội vẫn còn nhiều bất cập cần phải khắc phục. Bà Lê Thị Tân Trang, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết, vừa qua trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vấn đề về quản lý lễ hội, di tích mà điển hình là vụ việc thay tượng ở chùa Châu Long, việc bán hàng lộn xộn gây mất mỹ quan ở cụm dân cư trong khu di tích Cổ Loa. Bên cạnh đó, rất nhiều lễ hội diễn ra trên địa bàn Hà Nội vẫn thường xuyên xảy ra vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tràn lan đồ chơi Trung Quốc, ăn xin, trộm cắp vẫn có “đất” hoành hành... Một trong những vấn đề chưa được khắc phục hiện nay là ý thức của người dân tham gia các lễ hội quá lạm dụng việc đặt vàng, mã, thắp hương sai quy định…
Ý thức của người dân về việc đốt vàng, mã thế nào cho đúng vẫn là vấn đề bất cập trong quản lý lễ hội |
Cùng với quan điểm này, ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VHTT&DL Lào Cai đồng tình, vấn đề an toàn thực phẩm địa phương nào cũng mắc phải. Ông Sơn cũng cho rằng, các lễ hội ngày nay không còn như xưa vì thế không thể quản lý một cách áp đặt mà nên dựa vào tình hình từng địa phương để ứng biến. Ông Sơn đề nghị Bộ VHTT&DL nên cụ thể hóa mô hình ban quản lý di tích thế nào cho hợp lý để các cơ quan quản lý thể hiện tốt vai trò quản lý của mình.
Trước nhiều ý kiến xung quanh việc cả nước có quá nhiều lễ hội, nên hạn chế bớt những lễ hội không cần thiết để tiện quản lý, ông Lê Tư, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Thanh Hóa lại có ý kiến ngược lại rằng, nên tổ chức càng nhiều lễ hội càng tốt vì các lễ hội đều có sức hấp dấn riêng. Vấn đề ở đây là nên quản lý thế nào để các lễ hội diễn ra an toàn, tiết kiệm, đó mới là trách nhiệm quản lý của từng địa phương.
Hiện nay, cả nước có khoảng 8000 lễ hội lớn nhỏ, trong đó lễ hội dân gian có hơn 7000, lễ hội tôn giáo là 544… Trong bối cảnh, cả nước chuẩn bị đón năm mới, xuân mới 2014 với mùa lễ hội đang đến gần, các đơn vị quản lý ở các địa phương cần có những giải pháp kịp thời để khắc phục những bất cập đã nhìn thấy ở trên.
Theo đó, Thanh tra Bộ VHTT&DL kiến nghị, Bộ VHTT&DL cần sớm có văn bản chỉ đạo các địa phương về công tác chuẩn bị cho Lễ hội Xuân năm 2014. Ban quản lý các di tích, BTC các lễ hội cần phải có biện pháp nắm được, dự báo được lượng người về với di tích, để từ đó xây dựng cơ sở hạ tầng, có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường phù hợp…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.