(HNM) - Với ưu điểm đặt xe nhanh, nắm rõ cước phí, hành trình và thông tin cơ bản của tài xế, dịch vụ chuyên chở khách thông qua các phần mềm như: Uber taxi, Grab taxi, Easy taxi đang ngày càng phổ biến. Mặc dù các cơ quan quản lý còn nhiều tranh cãi xung quanh việc có nên cho phép dịch vụ này
Khởi động cuộc cạnh tranh giá cước
Trong bối cảnh khách hàng sử dụng taxi còn khá dè dặt do giá cước cao, dịch vụ chưa thực sự chinh phục khách hàng thì những phần mềm đặt taxi qua mạng đã nhanh chóng khắc phục những điểm yếu này. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng đặt xe qua mạng, trong vài phút, khách hàng có thể đặt được xe, biết rõ quãng đường sẽ đi cũng như cước phí dự kiến của hành trình. Ngoài ra, để thu hút khách hàng, những thương hiệu đặt xe qua mạng cũng liên tục khởi động các chương trình khuyến mãi, giảm giá vào giờ "vàng" hay dành tặng một mã khuyến mãi lớn cho những khách hàng lần đầu sử dụng dịch vụ. Thế nhưng loại hình dịch vụ mới mẻ này đã nhanh chóng tạo ra những dư luận trái chiều. Nếu như khách hàng nhiệt tình ủng hộ vì khi sử dụng dịch vụ này, họ được hưởng giá cước taxi rẻ hơn, nắm rõ hành trình và thông tin tài xế thì một số hãng taxi khác lập tức lên tiếng phản đối.
Thanh tra giao thông kiểm tra một xe chở khách qua dịch vụ Uber tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Mậu Trường |
Theo quan điểm của một số hãng xe, khi sử dụng loại hình vận tải này, tưởng như khách hàng được lợi về mặt chi phí nhưng người sử dụng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro khi bị mất tài sản, bị tài xế lừa đảo, tai nạn giao thông… hành khách khi đó sẽ không biết khiếu nại với ai, ở đâu. Đặc biệt, loại hình này không phải chịu sự quản lý với đủ loại quy định, thuế, phí giống như các DN hoạt động taxi khác.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên khuyến khích việc sử dụng Uber taxi, trước hết là với những công ty, hãng kinh doanh vận tải ô tô đã có giấy phép. Vấn đề đặt ra là cơ quan thuế phải làm thế nào để vừa khuyến khích và tạo điều kiện cho mô hình này hoạt động được đúng luật và Nhà nước vẫn thu đúng, thu đủ tiền thuế.
Quản lý thuế: Khó hay dễ?
Có ý kiến cho rằng, NSNN sẽ bị thất thoát do không tính toán được các khoản thuế với loại hình kinh doanh mới này. Bởi khi các tài xế sử dụng phần mềm Uber, cơ quan chức năng không có căn cứ gì để buộc DN cho thuê xe hay những người lái xe tự do cá nhân phải nộp thuế cho các khoản thu. Với những xe tham gia sử dụng Uber không có biển hiệu taxi, không hoạt động tính tiền như những xe taxi khác mà tính dựa vào thông tin vị trí trên ứng dụng của điện thoại. Khách hàng sẽ thanh toán qua thẻ quốc tế. Chi phí thuê xe ở dịch vụ này thường thấp hơn so với taxi thông thường, trong đó đơn vị cung cấp dịch vụ hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%. Như vậy, 20% cước vận chuyển thu từ khách hàng sẽ "rơi" vào túi DN quản lý dịch vụ Uber đặt trụ sở chính ở nước ngoài.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế đã có phương án tính thuế với dịch vụ taxi Uber để trình Bộ Tài chính xem xét. Theo đó, sẽ tính thuế GTGT trên doanh thu với Uber theo hình thức kinh doanh vận tải và ở mức là 3%. Thuế thu nhập DN trên doanh thu với ngành tương ứng là 2%. Tổng cục Thuế sẽ tính toán thận trọng việc tính thuế với Uber. Nếu Uber có văn phòng đại diện, có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thì phải nộp thuế. Hai loại thuế mà DN phải nộp là thuế GTGT và thuế thu nhập DN... Tại buổi làm việc với đại diện Công ty Uber International Holding B.V, hai bên đã xác định các khoản thu nhập phát sinh của đơn vị này tại Việt Nam gồm: Phí đăng ký mở tài khoản, phí hủy chuyến và cước phí thanh toán thực tế từ khách hàng qua các thẻ thanh toán Visa Card, MasterCard, AMEX. Mọi hoạt động liên quan đến việc ký kết hợp đồng, thu tiền khách hàng đến chi tiền cho DN vận tải đều do Công ty Uber International Holding B.V thực hiện. Công ty TNHH Uber Việt Nam chỉ thực hiện các hoạt động phụ trợ, marketing nhằm mở rộng mạng lưới thị trường, hỗ trợ đào tạo và chưa đến kỳ khai nộp thuế.
Như vậy, việc quản lý thuế với loại hình đặt taxi qua mạng internet sẽ không quá khó khăn. Điều quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để tính đúng, tính đủ các khoản thuế với loại hình kinh doanh còn rất mới này qua đó tạo thêm nguồn thu cho NSNN.
Uber không thuộc đối tượng quản lý của Bộ Giao thông vận tải Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng vừa có công văn gửi Hiệp hội Vận tải taxi TP Hồ Chí Minh và Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội về hoạt động của phần mềm Uber tại Việt Nam. Theo đó, Công ty Uber là một đơn vị kinh doanh về công nghệ theo giấy phép kinh doanh và không kinh doanh vận tải, vì vậy Công ty Uber không phải là đối tượng quản lý của Bộ GTVT. Tuy nhiên, hoạt động của Công ty Uber có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh vận tải, do đó để bảo đảm phần mềm Uber hoạt động tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, Bộ GTVT đã yêu cầu Công ty Uber và các đối tác chỉ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có đủ điều kiện. Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã hoặc sẽ ký hợp đồng với Công ty Uber phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.