Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý thuế đối với giao dịch ''lan đột biến'' như thế nào?

Hương Thủy| 26/03/2021 17:17

(HNMO) - Thời gian gần đây, vấn đề mua bán “lan đột biến” - loại lan được coi là lan rừng đột biến gen, có mặt hoa, hình dáng độc, lạ - gây xôn xao dư luận. Điều nhiều người quan tâm là ngành Thuế sẽ quản lý thu đối với kinh doanh “lan đột biến” như thế nào? Chiều 26-3, Tổng cục Thuế đã có ý kiến về vấn đề này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đại diện Tổng cục Thuế, căn cứ các quy định và hướng dẫn hiện hành, với trường hợp phát sinh giao dịch mua bán của tổ chức, trường hợp “lan đột biến” do doanh nghiệp, tổ chức tự trồng và bán ra thì thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Trường hợp “lan đột biến” do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

Trường hợp “lan đột biến” do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác ở khâu kinh doanh thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5%. 

Trường hợp “lan đột biến” do doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bán ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu. 

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, trường hợp tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập từ việc bán “lan đột biến” thì thuộc đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định. 

Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập từ việc bán “lan đột biến” đáp ứng quy định tại Khoản 1, Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 3-6-2008 được sửa đổi tại Khoản 2, Điều 1 Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã; thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản) thì được miễn thuế TNDN theo quy định. 

Với trường hợp phát sinh giao dịch mua bán của hộ gia đình, cá nhân; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh giao dịch mua bán “lan đột biến” thì thuộc diện điều chỉnh của thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo quy định về hoạt động kinh doanh với thuế suất thuế GTGT 1% và thuế TNCN 0,5%. 

Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng trọt) chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác thì sản phẩm nông nghiệp trong trường hợp này không chịu thuế. 

Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định pháp luật thuế và pháp luật có liên quan thực hiện công tác quản lý thuế đối với giao dịch mua bán “lan đột biến” tại địa bàn và các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật. 

“Trong quá trình thực hiện, nếu có phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan chức năng có liên quan xử lý theo quy định của pháp luật”, đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh. 

Những ngày qua, thông tin trên các phương tiện truyền thông cho thấy, cơn sốt về “lan đột biến” xuất hiện ở nhiều địa phương như Hà Nam, Sơn La, Hòa Bình… Đặc biệt, tại Quảng Ninh, có thương vụ “lan đột biến” lên tới 250 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý thuế đối với giao dịch ''lan đột biến'' như thế nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.