(HNM) - Đến nay nhiều điểm trông giữ xe chưa chấp hành, người dân vẫn phải trả phí quá mức quy định.
Điều này cho thấy công tác quản lý, kiểm tra của các cơ quan chức năng và các địa phương còn lỏng lẻo, người dân vẫn bị "chặt chém", gây bức xúc dư luận.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thu phí trông giữ xe để tránh bức xúc cho người dân. |
Điều chỉnh mức thu phù hợp
Kỳ họp thứ 8 HĐND TP Hà Nội khóa XIV diễn ra cuối năm 2013 đã ra Nghị quyết 26/2013/NQ-HĐND về việc ban hành, sửa đổi một số loại phí, lệ phí trên địa bàn Hà Nội. Sự điều chỉnh này được cho là phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với phí trông giữ phương tiện, có sự phân vùng để điều chỉnh mức thu trên cơ sở Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Ngay sau khi có nghị quyết, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 60/2013/QÐ-UBND về việc sửa đổi mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy. Theo đó, kể từ ngày 1-1-2014, tại địa bàn các quận nội thành và huyện Từ Liêm, phí trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe máy điện) là 2.000 đồng/lượt (ban ngày), 3.000 đồng/lượt (ban đêm). Ðối với xe máy, mức phí trông giữ là 3.000 đồng/lượt (ban ngày), 5.000 đồng/lượt (ban đêm), 7.000 đồng cả ngày và đêm. Đối với các chợ, trường học, bệnh viện (không phân biệt địa bàn), phí trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe máy điện) là 1.000 đồng/lượt (ban ngày), 2.000 đồng/lượt (ban đêm). Ðối với xe máy, mức phí trông giữ là 2.000 đồng/lượt (ban ngày), 3.000 đồng/lượt (ban đêm), 4.000 đồng cả ngày và đêm.
Cùng với Quyết định số 60 của UBND TP Hà Nội, Cục Thuế, Sở Tài chính, Sở Giao thông - Vận tải đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Công văn 10136 về việc triển khai một số nhiệm vụ quản lý và xây dựng đề án phí, lệ phí năm 2014. Làm việc với đoàn khảo sát HĐND TP Hà Nội mới đây, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, hằng tháng Cục Thuế yêu cầu các chi cục thuế kiểm soát hoạt động trông giữ xe về mức thu, sử dụng vé, quản lý thu thuế theo quy định; đồng thời cùng với Sở Tài chính, Công an, Sở Giao thông - Vận tải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra. Dù đã tăng cường kiểm tra, nhưng dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, tại một số điểm giữ xe tự phát, hoặc ở lễ hội xảy ra tình trạng thu phí cao hơn mức quy định. Ngay đầu năm 2014, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tài chính chủ trì đã kiểm tra 9 điểm trông giữ xe tại quận Hoàn Kiếm, phát hiện, xử lý 3 điểm vi phạm, phạt hơn 12 triệu đồng.
Nhiều ngành quản vẫn lỏng
Không chỉ có những ngày Tết và tại các lễ hội, ngày 11-3, qua khảo sát tại các bệnh viện, trường học, điểm trông giữ xe trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thì hầu như đều thu cao hơn so với quy định, có nơi gấp 3 đến 5 lần. Tại điểm 45B Lý Thường Kiệt, vé ghi phí thu cho xe máy là 2.000 đồng, nhưng thu 3.000 đồng. Tại điểm trông giữ xe phố Lý Thái Tổ (cổng Cung thiếu nhi Hà Nội), biển báo và vé ghi phí xe máy là 3.000 đồng, nhưng nhân viên thu 4.000 đồng. Tương tự, tại chợ Đồng Xuân, biển và vé trông giữ xe máy là 3.000 đồng nhưng thu 5.000 đồng. Cá biệt, tại cổng Bệnh viện Việt - Đức Hà Nội, vé gửi xe máy ghi Công ty TNHH Thiên Hương - vé gửi xe nhân viên (không thu phí) kèm theo Đường dây nóng 0917469953, nhưng nhân viên đã thu phí trước tới 10.000 đồng.
Việc thu phí tăng từ 1.000 đến 2.000 đồng đối với mỗi người gửi xe không quá lớn, nhưng hằng ngày có cả nghìn xe gửi như vậy thì số tiền chênh lệnh thu quá quy định đi đâu? Điều này còn làm giảm lòng tin của người dân vào các cơ quan chức năng. Trên đây mới liệt kê những điểm trông giữ xe có phép của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, trên thực tế Hà Nội còn vô số những điểm trông giữ xe tự phát, người dân phải chịu cảnh "bị chặt chém" từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/xe máy (tùy từng thời điểm). Thậm chí vào những ngày lễ, phải chấp nhận gửi xe với giá 50.000 đồng/xe máy tại khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm.
Sở dĩ có tình trạng trên là do các địa phương, các ngành chức năng lỏng lẻo trong quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát; việc xử lý vi phạm không thấm gì so với lợi nhuận nhờ thu quá quy định. Bên cạnh đó, tình trạng phân cấp quản lý các điểm trông giữ xe còn chồng chéo, nhiều ngành cùng quản lý và kết cục vẫn là "đa ngành" chịu trách nhiệm. Trước năm 2008, UBND TP Hà Nội giao Sở Giao thông - Vận tải cấp toàn bộ giấy phép sử dụng lòng đường, vỉa hè. Sau năm 2008, UBND thành phố lại giao cho Sở Giao thông - Vận tải quản lý lề đường, còn cấp quận quản lý vỉa hè và cấp phép trên hè. Đến đầu năm 2012, UBND thành phố lại giao cho Sở này quản lý tổng thể lòng đường, vỉa hè những tuyến đường trọng điểm, tuyến đường có nguy cơ ùn tắc cao. Thêm nữa, trên cùng một tuyến đường, có thời điểm thì cho phép, có thời điểm thì cấm, rồi ít lâu sau lại cho phép trông giữ xe. Sự thay đổi liên tục làm cho thói quen sử dụng lòng đường, hè phố không thành nếp.
Năm 2014 là "Năm trật tự và văn minh đô thị ", mong rằng các cấp, các ngành và chính quyền địa phương tăng cường trách nhiệm trong giám sát, kiểm tra, xử lý, bảo đảm trật tự mỹ quan đô thị. Việc kiểm tra, xử lý phải được làm thường xuyên, chứ không chỉ đợi thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểu "trống giong cờ mở", "đánh trống bỏ dùi".
Ngày 6-3, UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 1511/UBND yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã rà soát các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP Hà Nội. Theo đó, các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền nội dung Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 2-1-2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố; đồng thời xác định chính xác cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được thu phí, lệ phí (đơn vị thu) theo phân cấp; hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát các đơn vị thu thực hiện rà soát, đối chiếu các quyết định thu phí, lệ phí do UBND thành phố ban hành đang thực hiện trên địa bàn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.