Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý rau an toàn: Không thể dựa vào công cụ… ”niềm tin”

Xuân Lộc| 18/01/2016 06:03

(HNM) - Số liệu khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho thấy, hiện có tới 73% người bán rau tại Hà Nội không thể phân biệt được rau

Ngay cả một vị lãnh đạo - thành viên của Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm TP Hà Nội cũng cho rằng, bản thân ông từng nhiều năm gắn bó với lĩnh vực kiểm tra an toàn thực phẩm nhưng cũng không thể phân biệt giữa rau sạch và không sạch. Do đó, đối với người tiêu dùng, việc kiểm định độ sạch của rau chỉ dựa vào công cụ… "niềm tin".

Thế nhưng, không phải lúc nào công cụ này cũng có thể tin dùng được. Ví như sự việc mới xảy ra cách đây ít ngày khi Phòng Cảnh sát môi trường Hà Nội và Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội phát hiện Công ty cổ phần Rau củ quả Trung Thành (Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) đang giao rau không rõ nguồn gốc cho 7 trường mầm non tại quận Tây Hồ, hay như trước đó việc nhiều siêu thị ở Hà Nội bị phát hiện bán rau không rõ nguồn gốc gắn mác RAT đã thêm một lần nữa khiến người tiêu dùng mất lòng tin trước thị trường rau sạch vốn rất hỗn độn hiện nay.

Theo nhiều chuyên gia y tế, hiện một bộ phận người trồng rau trên địa bàn Hà Nội vì lợi nhuận nên không ngần ngại dùng chất kích thích để rau phát triển mạnh, lá xanh mướt, rút ngắn thời gian thu hoạch. Họ bỏ qua thời gian cách ly bắt buộc đối với rau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích. Hậu quả của việc này khiến không chỉ người trồng rau gánh chịu (do tiếp xúc quá nhiều với hóa chất) mà còn ảnh hưởng đến hàng trăm, hàng nghìn người tiêu dùng khác.

Đơn cử như khi sử dụng rau, quả bón nhiều phân đạm, nitrat chuyển hóa thành nitrit phản ứng với một số chất trong cơ thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh ung thư gan, thận, thực quản, dạ dày… Trước thực trạng trên, các nhà quản lý thường đưa ra lời khuyên đối với người tiêu dùng, hãy là nhà thông thái và khi lựa chọn sản phẩm nên tìm đến những doanh nghiệp có thương hiệu, có uy tín. Nhưng thông thái làm sao khi vì lợi nhuận doanh nghiệp có thể bất chấp tất cả.

Thiết nghĩ, khi mà chúng ta buộc phải sống chung với mặt trái của cơ chế thị trường, rằng vì tiền mà nhiều người bất chấp tất cả, thì việc phải siết lại công tác quản lý dường như là biện pháp khả dĩ hơn cả. Không thể phủ nhận, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tích cực triển khai công tác phòng, chống gian lận thương mại, tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, đặc biệt vào dịp cuối năm nhưng người tiêu dùng có quyền đòi hỏi nhiều hơn thế.

RAT nhưng chưa thực sự an toàn đang là một thực tế đòi hỏi các nhà quản lý phải vào cuộc gắt gao hơn, tránh tình trạng "hổng" trong kiểm soát và hậu quả là người tiêu dùng phải gánh chịu. Chừng nào người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị đầu độc từ chính bữa cơm của mình thì chừng đó không thể nói công tác quản lý đã làm đúng trách nhiệm!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý rau an toàn: Không thể dựa vào công cụ… ”niềm tin”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.