Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý quảng cáo trực tuyến tạo lành mạnh cho thị trường

Thanh Hà| 26/07/2021 17:42

(HNMO) - Ước tính, trong tổng doanh thu từ thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, các nền tảng xuyên biên giới chiếm khoảng 82%, nhưng không nộp thuế, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh... Vì vậy, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, đã điều chỉnh các quy định về quảng cáo xuyên biên giới, bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 15-9-2021.

Trao đổi với báo chí, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, điểm mới của Nghị định là Bộ Thông tin và Truyền thông là đầu mối quản lý các hoạt động quảng cáo trực tuyến trong đó có quảng cáo xuyên biên giới. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ và doanh nghiệp sẽ được xác nhận sau 7 ngày. 

Nghị định quy định rõ, các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam. Cụ thể, phải tuân thủ quyền và trách nhiệm như doanh nghiệp trong nước theo quy định tại Điều 13 Luật Quảng cáo và các quy định có liên quan, để bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp.

Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, quy định về an ninh mạng và quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam, còn phải tuân thủ quy định không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm pháp luật (trong vòng 24 giờ) theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

"Một điểm đáng chú ý nữa là quy định người phát hành quảng cáo, người quảng cáo trong nước khi ký hợp đồng hợp tác phải yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ, giúp tránh xảy ra tình trạng quảng cáo của các nhãn hàng trong nước lại xuất hiện trong các video, clip có nội dung xấu, độc đã từng bị cơ quan quản lý nhà nước "tuýt còi" trước đó", ông Lưu Đình Phúc cho hay.

Trong thời gian 24 giờ sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới không xử lý quảng cáo vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật.

Trường hợp phát hiện quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ngay biện pháp ngăn chặn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý quảng cáo trực tuyến tạo lành mạnh cho thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.