(HNM) - Mức xử phạt cao quy định tại Nghị định 76 đã tạo hành lang pháp lý đủ tác dụng răn đe trong công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Khảo sát tại một số tuyến trọng điểm cho thấy buôn lậu thuốc lá ít nhiều có giảm nhiệt, tuy nhiên để chặn đứng vấn nạn này vẫn cần sự nỗ lực vượt bậc của các ban, ngành chức năng.
Giảm nhiệt
Theo quy định tại điều 11b - Nghị định 76/2010/NĐ-CP, thuốc lá được đưa trở lại danh mục "hàng cấm" với mức xử phạt cao. Chỉ cần buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng đến 10 bao (1 bao = 20 điếu) đã có thể bị xử phạt theo Nghị định 76, mức phạt từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng. Nếu số lượng là từ 10 đến 50 bao, mức xử phạt sẽ là 1 triệu đồng. Mức xử phạt tới 10 triệu đồng được áp dụng khi số lượng lên tới 200 bao và mức phạt 20 triệu đồng áp dụng khi số lượng lên tới 600 bao. Mức phạt 50 triệu đồng được áp dụng đối với số lượng đến 1.000 bao và mức phạt 100 triệu đồng được áp dụng khi số lượng lên tới 1.500 bao. Nghị định cũng quy định, cơ quan phát hiện hoặc thụ lý vụ việc nhập lậu từ 1.500 bao thuốc lá trở lên sẽ phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự mà chuyển sang xử phạt vi phạm hành chính thì mức xử phạt sẽ là 100 triệu đồng. Đặc biệt, nếu trường hợp vi phạm có số lượng dưới 1.500 bao mà người vi phạm đã từng bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này thì cũng bị chuyển hồ sơ sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự hoặc xử phạt hành chính ở mức 100 triệu đồng. Việc đưa mặt hàng thuốc lá điếu vào danh mục cấm kinh doanh, lực lượng chức năng đã được tăng chế tài thực thi, tháo gỡ những bất cập trong công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Thuốc lá lậu dường như đã và đang "giảm nhiệt"- là tín hiệu rõ rệt nhất sau khi Nghị định 76/2010/NĐ-CP có hiệu lực (từ ngày 1-9-2010).
Dân buôn chuyển thuốc lá nhập lậu ở An Giang. |
Trong vai người đi mua thuốc lá, chúng tôi đã dạo một vòng quanh phố Hàng Hành- "thủ phủ" của thuốc lá lậu của Hà Nội. Sau khi hàng loạt các "trùm" đường dây thuốc lá lậu ở khu vực này bị "sờ gáy" như bà "trùm" Bùi Thị Nga - người từng có 1 tiền án và 1 tiền sự về tội buôn bán thuốc lá nhập lậu - và cũng là trường hợp buôn bán thuốc lá ngoại nhập lậu đầu tiên bị xử lý hình sự, hoạt động của khu phố này đi vào "chiều sâu". Hỏi mua các loại thuốc lá lậu, các quầy hàng di động cũng tỏ ra hết sức cảnh giác, khá khó khăn mới hỏi mua được mấy loại thuốc của Nhật, còn các loại bình dân như Jet hay Hero thì tuyệt nhiên không được bán ở đây. Các quầy bán thuốc lá trên các tuyến phố "nóng" khác như Trần Xuân Soạn cũng khó có thể mua được thuốc lậu với số lượng nhiều, người bán tỏ ra rất cảnh giác.
Theo ghi nhận của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, năm 2010 số lượng thuốc lá lậu bị bắt giữ khoảng 813 triệu bao, giảm gần 60 triệu bao so với năm 2009 (năm 2009 số lượng bị bắt giữ là 870 triệu bao). Từ đầu năm 2011 cho đến hết tháng 4, lực lượng chống buôn lậu toàn quốc đã bắt giữ được khoảng 145.487 bao thuốc lá nhập lậu. Thiếu tá Đặng Tấn Đắc - Phó trưởng phòng PC 46 Công an tỉnh An Giang - điểm nóng nhất trong tuyến biên giới Tây Nam về buôn lậu thuốc lá cho biết, mức xử phạt cao tại Nghị định 76 đã tạo hành lang pháp lý nghiêm minh, đủ tác dụng răn đe, góp phần làm giảm rõ rệt nạn buôn lậu thuốc lá. Thực tế ở địa bàn này, từ đầu năm tới nay số lượng thuốc lá lậu bị bắt giữ cũng đã giảm rõ rệt, lực lượng chức năng An Giang chỉ bắt giữ được khoảng 26.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu.
Nhưng vẫn còn cam go
Trao đổi với phóng viên Hànộimới, đại diện Ban chỉ đạo 127 TƯ cho biết Nghị định 76 đã phát huy hiệu quả ban đầu song thuốc lá lậu vẫn tiếp tục là thách thức lớn cho toàn ngành thuốc lá. Thống kê của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho thấy Nhà nước thất thu thuế khoảng 3.500 tỷ VNĐ/năm, còn toàn ngành thuốc lá đã mất thị trường cung ứng nguyên liệu khoảng 17.000 tấn, tương ứng với diện tích 11.000ha trồng thuốc và hơn 50.000 lao động nông nghiệp mất việc làm trong 4 tháng mỗi năm.
Đây là những tổn thất không nhỏ, nhất là trong bối cảnh ngành thuốc lá đang đem lại công ăn việc làm cho hơn 200 ngàn lao động nông nghiệp trồng nguyên liệu thuốc lá ở các vùng Tây Nguyên, miền Trung và miền núi phía Bắc. Ông Phạm Kế Nghiệp - Tổng thư ký Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho biết, so với các cây trồng khác, cây thuốc lá có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Theo QĐ 88/2007/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược tổng thể ngành thuốc lá thì việc xây dựng vùng nguyên liệu thuốc lá ổn định là nhiệm vụ trọng tâm. Thế nhưng, đến nay nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được 50-60% cho sản xuất. Một trong những nguyên nhân khiến vùng nguyên liệu trong nước không thể mở rộng là sự ảnh hưởng của thuốc lá lậu khiến cho thị phần thuốc lá nội bị giảm sút nghiêm trọng.
Thực trạng này đòi hỏi các ban, ngành chức năng cần nỗ lực hơn nữa để Nghị định 76 thực sự có hiệu quả "chặn đứng" nạn buôn lậu thuốc lá. Theo đó, cần áp dụng nghiêm khắc chế tài xử phạt hành chính với mức phạt cao: 100 triệu đồng và xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu thuốc lá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.