Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý luồng tuyến vận tải hành khách cố định tại Hà Nội: Hài hòa 3 lợi ích

Tuấn Lương| 23/03/2015 06:35

(HNM) - Lãnh đạo Sở GT-VT khẳng định, việc bố trí luồng tuyến phải tuân thủ các quy định của Bộ GT-VT và TP Hà Nội, trên cơ sở bảo đảm hài hòa 3 lợi ích…

Vì sao Sở GT-VT Hà Nội bị "tố"?

Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của BX Nước Ngầm do Sở GT-VT Hà Nội tổ chức ngày 19-3 với sự tham gia của đại diện Bộ GT-VT và nhiều hiệp hội vận tải, DN vận tải các địa phương hóa ra lại trở thành diễn đàn để lãnh đạo bến này "tố" Sở GT-VT Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc BX Nước Ngầm, bến có lợi thế nằm ở phía Nam Hà Nội, thuận tiện cho các xe chạy tuyến phía Nam. Tuy nhiên, sau gần 10 năm hoạt động, dù bến được đánh giá có chất lượng dịch vụ tốt nhưng số xe xuất bến hằng ngày chỉ đạt 150 - 200 lượt (trong khi công suất tiếp nhận 500 xe mỗi ngày). Bến không đủ xe hoạt động trong khi nhiều bến khác lại quá tải. Nguyên nhân chính là các tuyến xe khách ở Hà Nội bố trí chưa hợp lý. Sở GT-VT Hà Nội không điều hành xe đúng theo các hướng ra vào thành phố, vì vậy nhiều xe đi phía Nam vẫn hoạt động tại BX Mỹ Đình (phía Tây), gây tình trạng bến thì quá tải, bến thiếu xe. Cụ thể: Ngày 11-7-2013, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 211 chỉ đạo Sở GT-VT Hà Nội sắp xếp các tuyến xe đi quốc lộ 1, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ vào BX Giáp Bát và BX Nước Ngầm, song Sở GT-VT Hà Nội không thực hiện đúng. Từ cuối năm 2014 đến nay, bến đã nhiều lần kiến nghị Sở GT-VT Hà Nội điều chỉnh lại luồng tuyến nhưng vẫn chưa được chấp thuận khiến hoạt động của bến gặp khó khăn.

Thế nhưng, trái với quan điểm của lãnh đạo BX Nước Ngầm, đại diện nhiều hiệp hội vận tải địa phương và các DN trực tiếp hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh lại khẳng định: Sở GT-VT Hà Nội đã, đang điều hành và bố trí luồng tuyến rất hiệu quả, khoa học. Khó khăn của BX Nước Ngầm do tự bến gây nên. Một số ý kiến phân tích: Hoạt động theo mô hình xã hội hóa, lẽ ra BX Nước Ngầm phải chủ động đưa ra các ưu đãi để thu hút DN vận tải vào bến, nhưng mức thuế phí mà BX Nước Ngầm đang thu của các DN vận tải lại quá cao so với các bến khác.

Các hiệp hội và DN vận tải đồng kiến nghị Sở GT-VT Hà Nội để nguyên luồng tuyến như hiện nay để ổn định cho các DN yên tâm đầu tư, kinh doanh… Không thể vì một DN kinh doanh BX mà làm ảnh hưởng đến nhiều DN vận tải khác. Ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định cho rằng, các đơn vị vận tải đã hoạt động ổn định tại BX Mỹ Đình nhiều năm qua nên không có lý gì họ phải di chuyển. Trong khi đó, chuyển về BX Nước Ngầm vắng khách sẽ gây khó khăn cho DN. Mỗi nhà xe đầu tư phương tiện lên đến vài tỷ đồng (hầu hết từ vốn vay ngân hàng), nếu 1 - 2 năm vắng khách, DN sẽ phải đối diện với việc thua lỗ hoặc phá sản.

Bố trí luồng tuyến tuân thủ nguyên tắc

Liên quan đến việc bố trí luồng tuyến vận tải khách cố định vào các BX của Hà Nội thời gian qua, theo đại diện Phòng Vận tải (Sở GT-VT Hà Nội), từ năm 2013 đến nay, Sở không sắp xếp tuyến nào mới về BX Mỹ Đình mà chỉ bố trí tuyến về hai BX Yên Nghĩa và Nước Ngầm bởi 2 bến này bảo đảm diện tích và khu vực sắp xếp xe, công suất của bến còn dôi dư. Thực tế cho thấy, lượng tuyến và xe mới được bố trí về hai bến này khá cao.

Đại diện Hiệp hội Vận tải Nghệ An cho rằng, lượng khách và lượng xe từ tỉnh Nghệ An phân bổ về các bến của Hà Nội đã ổn định, bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng như nhu cầu đi lại của người dân. Sở GT-VT Nghệ An và Hiệp hội Vận tải Nghệ An vẫn tuyên truyền và vận động các xe mới nếu có nhu cầu thì hướng vào BX Nước Ngầm và Yên Nghĩa bởi các tuyến về BX Mỹ Đình hiện đã đủ tần suất nên không thể tăng nữa.

Trả lời thắc mắc, kiến nghị của BX Nước Ngầm cũng như các hiệp hội vận tải địa phương, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội khẳng định, việc điều chỉnh, bố trí luồng tuyến do Sở thực hiện các năm qua đều bảo đảm đúng các quy định của Bộ GT-VT và TP Hà Nội. Trong giai đoạn 2013-2014, tổng cộng đã có 5 đoàn thanh tra vào thanh tra, kiểm tra về việc chấp thuận bố trí luồng tuyến vận tải và cả 5 đoàn đều kết luận Sở GT-VT Hà Nội thực hiện đúng quy định. Về đề xuất của BX Nước Ngầm xin được bố trí thêm luồng tuyến, Sở GTVT Hà Nội khẳng định: Nguyên tắc quản lý nhà nước trước nhất là phải bảo đảm trật tự ATGT, việc đi lại của người dân được thuận tiện rồi mới đến quyền lợi của các DN. Việc bố trí luồng tuyến luôn phải bảo đảm hài hòa 3 lợi ích này.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Linh, hiện Sở GT-VT đã xây dựng dự thảo quy hoạch chi tiết phát triển mạng lưới vận tải hành khách liên tỉnh để báo cáo UBND TP Hà Nội và Bộ GT-VT. Ngoài hướng các tuyến mới về Nước Ngầm và Yên Nghĩa, trong khi chưa có quy hoạch, Sở sẽ không điều chuyển để tránh gây xáo trộn. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Sở sẽ công bố công khai để các DN vận tải tính toán, tham gia hành trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý luồng tuyến vận tải hành khách cố định tại Hà Nội: Hài hòa 3 lợi ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.