Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý lỏng lẻo, sử dụng vốn sai mục đích

Nhóm PV Điều tra| 08/10/2012 06:10

(HNM) - Hiện nay các sở, ngành địa phương của Hà Nội đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm đầu tư công. Nhiều dự án đã phải tạm dừng lại để nhường cho các công trình dân sinh bức xúc hơn. Trong khi đó, một siêu dự án đầu tư gần 7.000 tỷ đồng được ưu tiên sử dụng tiền từ nguồn trái phiếu nhằm cải tạo khôi phục sông Tích lại có quá nhiều "lình xình", bởi gần 200 tỷ đồng vốn tạm ứng từ năm 2011 đã bị sử dụng không đúng mục đích.

Siêu dự án thi công nhỏ giọt

Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích là công trình trọng điểm của TP Hà Nội giai đoạn 2010-2015, với mục tiêu cấp nước tưới cho 16.000ha đất nông nghiệp của 7 huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức; khôi phục 27km lòng sông, cải tạo môi trường sinh thái, bảo đảm tiêu, thoát nước; xây dựng đường giao thông kết hợp ở hai bờ sông, tạo điều kiện khai thác tiềm năng quỹ đất, nâng cao chất lượng cuộc sống vùng dân cư rộng lớn dọc bờ sông Tích…

Cảnh đìu hiu đại công trường sông Tích.

Tháng 5-2011, dự án chính thức được khởi công tại xã Thuần Mỹ. Hàng ngàn cán bộ, nhân dân trên địa bàn náo nức chứng kiến lễ khởi công. Là một xã thuần nông, đời sống người dân còn không ít khó khăn, chính quyền và nhân dân xã Thuần Mỹ kỳ vọng, dự án sẽ là "cú hích" cho kinh tế - xã hội địa phương và cả những huyện, thị xã phía tây thành phố ngày càng phát triển.

Tuy nhiên đến nay, đã 16 tháng trôi qua, khối lượng công việc mà đơn vị thi công thực hiện được chỉ là kè bờ hữu sông Đà, đào đất dẫn lòng sông dài gần 500m… Nhiều người dân trên địa bàn xã Thuần Mỹ, trong đó có không ít cựu chiến binh, cán bộ đã nghỉ hưu sinh sống tại khu vực huyện Ba Vì không khỏi thất vọng bởi công trình quy mô lớn tầm cỡ quốc gia, mà tiến độ lại quá chậm. Chủ tịch UBND xã Thuần Mỹ Phạm Văn Sơn cho biết, cả 6 thôn của xã bị ảnh hưởng bởi dự án sông Tích. Để làm dự án này, xã phải thu hồi 50ha đất các loại của gần 1.000 hộ gia đình. Chính quyền địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ dự án, sẵn sàng "ứng" trước mặt bằng cho nhà thầu, mặc dù tại thời điểm khởi công thực hiện dự án, các hộ dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù GPMB. Một người dân xã Thuần Mỹ nói: "Lễ khởi công làm lớn lắm, hàng trăm xe lớn nhỏ nối đuôi nhau, đỗ cả một dọc dài trên triền đê, bà con khắp làng trên xã dưới kéo đến xem. Dân vui mừng, phấn khởi, những mong sớm thấy được tương lai có một dòng sông Tích ăm ắp nước. Nhưng sau lễ khởi công, thi công lấy ngày và rồi… nguội tanh, chẳng thấy họ làm gì nhiều. Ngày ngày "nhỏ giọt" vài xe chở đá, cát chạy qua...".

Đại công trường... đìu hiu

Đà giang mùa này nước cạn và đục hơn. Chúng tôi thực hiện cuộc khảo sát tại nơi khởi nguồn của "siêu dự án" làm sống lại dòng sông Tích ở xã Thuần Mỹ huyện Ba Vì. Những tưởng nơi đây sẽ là một đại công trường ồn ã, tấp nập người, xe. Nhưng không, thật ngỡ ngàng bởi một không khí hết sức ảm đạm. Vài đống đá, cát, sỏi… nằm im lìm bên dòng Đà giang như một chứng tích buồn. Máy móc làm việc cầm chừng và chẳng có gì chứng tỏ là muốn thi công để bảo đảm tiến độ. Cũng không phải vì mấy ngày này, khi dư luận xôn xao về những vấn đề liên quan đến tài chính của siêu dự án sông Tích, mà không khí nơi đây ảm đạm như thế. "Đại công trường" đã yên ắng ngay sau ngày khởi công. Tại khu vực thi công mái kè sông Đà, gần cống lấy nước đầu mối Lương Phú, nhà thầu chỉ triển khai hai chiếc cần cẩu với vài công nhân làm theo ca. Cách đó không xa, tại hạng mục đào mới kênh thuộc địa phận xã Thuần Mỹ (tổng chiều dài kênh dẫn là 12km), công trình ngổn ngang mà không thấy một bóng người hay phương tiện thi công nào của nhà thầu. Còn người dân Thuần Mỹ, sau những phút choáng ngợp ban đầu về ánh hào quang của dự án thì nay họ lại cần mẫn bên cây ngô, cây lạc. Sức nặng của dự án có chăng là khoản tiền đền bù GPMB mà họ đang háo hức chờ nhận được. Đoạn sông dẫn mới thi công được 451m/12.000m, đạt cao trình từ +17,50 đến cao trình +10,00 và thi công một số hạng mục thuộc cụm công trình đầu mối như mái kè đầu mối sông Đà dài khoảng 150m, lát mái kè 80m. Ngay cạnh đó vẫn còn chỏng chơ vài đống cát sỏi như để minh chứng cho một điều: Dự án được thi công với tốc độ… sên bò!

Được biết, dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích có tổng mức đầu tư 6.914 tỷ đồng, bao gồm: Đoạn 1 từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) đến Cầu Trắng, xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); đoạn 2 đi qua địa phận thị xã Sơn Tây; đoạn 3 từ Cầu Ó (huyện Phúc Thọ) đến Ba Thá (huyện Mỹ Đức). Đoạn 1 và 3 do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, đoạn 2 giao cho UBND thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án sông Tích (thuộc Sở NN&PTNT) được giao phụ trách điều hành việc thực hiện dự án, ký hợp đồng thi công hai gói thầu 12a và 12b (đoạn 1) với Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và du lịch Bình Minh - đơn vị được chỉ định thầu thi công.

Đây là một dự án quan trọng, quy mô lớn cả về khối lượng và giá trị, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường của Thủ đô Hà Nội nhưng sau 16 tháng, khối lượng công việc đơn vị thi công thực hiện được quá ít. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Đắc Thỏa, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Ban QLDA sông Tích cho rằng: "Tiến độ triển khai thực hiện dự án chậm, khối lượng công việc mới đạt khoảng 19 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng…". Tuy nhiên, theo ông Đỗ Mạnh Hưng, Trưởng ban GPMB huyện Ba Vì: Thời gian đầu, huyện, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân rất tin tưởng, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu để khởi công và thi công dự án, nhưng không có tiền để GPMB nên chưa thể xây dựng phương án đền bù. Mặt khác, quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án cũng chưa được phê duyệt. Đến tháng 7-2012, Ban GPMB huyện mới nhận được đầy đủ hồ sơ, bản đồ phục vụ GPMB của dự án. Vì vậy, hiện nay huyện mới phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ GPMB đợt 1 cho hơn 900 hộ dân với số tiền 161 tỷ đồng. Thực tế, trong quá trình thực hiện dự án, huyện Ba Vì đã bàn giao cho đơn vị thi công 14,5ha mặt bằng nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và du lịch Bình Minh mới chỉ triển khai thi công trên diện tích gần 8ha. Điều này cho thấy, ông Thỏa đưa ra lý do thi công chậm do GPMB chậm là không thỏa đáng.

Có một điều lạ là khi làm việc với PV Báo Hànộimới, ngoài việc thừa nhận tiến độ dự án chậm và đổ lỗi cho công tác GPMB, ông Thỏa tỏ ra loanh quanh, né tránh khi được hỏi về vấn đề vốn mà Ban QLDA đã tạm ứng cho Công ty Bình Minh. Thực tế, số vốn Ban QLDA tạm ứng theo hợp đồng cho đơn vị thi công là 218 tỷ đồng, trong khi khối lượng công việc thực hiện chỉ ước đạt khoảng 19 tỷ đồng khiến dư luận rất bức xúc. Được biết trách nhiệm của Ban QLDA sông Tích (Sở NN&PTNT) là giám sát, điều hành việc thi công của nhà thầu, đặc biệt là theo sát quản lý về vấn đề vốn. Tuy nhiên, chỉ đến khi dư luận bức xúc về khoản tiền tạm ứng cho nhà thầu từ năm 2011, thì tháng 9-2012, Sở NN&PTNT mới yêu cầu nhà thầu giải trình vốn. Ngày 3-10-2012, khi làm việc với PV Báo Hànộimới, ông Thỏa cho biết: "Hiện nay, Ban QLDA sông Tích đang chờ đơn vị thi công tổng hợp, báo cáo việc sử dụng vốn tạm ứng…" (?). Điều này cho thấy sự tắc trách của Ban QLDA trong vấn đề quản lý vốn.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý lỏng lẻo, sử dụng vốn sai mục đích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.