Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý Karaoke trên địa bàn Hà Nội: Quyết liệt trong việc cấp và thu hồi giấy phép

Hoàng Lân| 24/11/2016 16:28

(HNMO) - Hôm nay (24/11), UBND TP Hà Nội dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý đã họp với các sở, ban, ngành, lãnh đạo các quận, huyện về công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa karaoke, vũ trường trên địa bàn TP.

* Phạt nhiều, vi phạm vẫn nhiều

UBND TP Hà Nội chỉ đạo, các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn


Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao (VH-TT) Hà Nội (ngày 23/11), TP Hà Nội đã phê duyệt 4,493 cơ sở kinh doanh karaoke, 103 vũ trường trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Hiện nay, Hà Nội có 1.204 cơ sở kinh doanh karaoke đã được cấp phép hoạt động

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, năm 2016, Thanh tra Sở đã kiểm tra 346 cơ sở hoạt động kinh doanh karaoke, băng đĩa trên địa bàn TP; lập biên bản vi phạm hành chính 29 trường hợp với tổng số tiền phạt hơn 421 triệu đồng về hành vi kinh doanh hoạt động karaoke không có giấy phép, không đảm bảo quy định về thiết kế phòng hát, kinh doanh không đúng nội dung ghi trong giấy phép (thừa phòng hát); sử dụng bản ghi âm ca nhạc mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả. Một số vụ xử phạt điển hình như: xử phạt hành chính 30 triệu đồng với cơ sở kinh doanh karaoke 229 Xã Đàn, Đống Đa; phạt 25 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh 53 Long Biên (Ngọc Lâm), vì kinh doanh không đúng nội dung, phạm vi quy định giấy phép (thừa 2 phòng hát); phạt 30 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh karaoke 258 Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) vì kinh doanh không giấy phép…

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các quận, huyện cũng có những báo cáo cụ thể về hoạt động kinh doanh trên địa bàn của mình. Đa số đều đã tiến hành rà soát và có biện pháp xử lý đối với những trường hợp vi phạm. Đại diện quận Đống Đa cho biết, toàn quận có 79 cơ sở kinh doanh, tạm đình chỉ 7 cơ sở do không đủ điều kiện kinh doanh, phát hiện 54 biển sai phạm trong đó đã tháo dỡ được 52 biển. Quận Hai Bà Trưng có hơn 60 cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó có 22 cơ sở vi phạm biển hiệu, dịch vụ (thừa phòng, cửa ra vào không đúng tiêu chuẩn), tổng số tiền phạt hành chính đối với hoạt động karaoke của quận là 150 triệu đồng. Quận Ba Đình có 32 cơ sở kinh doanh, 1 vũ trường nằm trong khách sạn Daewoo, trong đó quận đã xử tiến hành xử phạt 7 cơ sở vi phạm với số tiền 137 triệu đồng, đình chỉ 3 cơ sở do không đủ tiêu chuẩn kinh doanh.

Trong số các quận, huyện có những cơ sở karaoke vi phạm kinh doanh hoặc không có đủ điều kiện thì quận Hoàng Mai có tỉ lệ khá cao. Đại diện quận Hoàng Mai chia sẻ, toàn quận có 36 cơ sở (trong đó 33 cơ sở có phép, 3 cơ sở không phép) nhưng có đến 35/36 cơ sở không đủ điều kiện. Quận này đã xử phạt hành chính số tiền 600 triệu đồng.

Lãnh đạo quận Hà Đông – một quận có địa bàn rộng lớn, có số lượng cơ sở karaoke nhiều, cho biết, theo rà soát mới nhất, quận có 102 cơ sở thì chỉ có 42 cơ sở có đủ điều kiện kinh doanh, 60 cơ sở không đủ điều kiện. Đại diện lãnh đạo quận Hà Đông cho biết, cơ quan quản lý đã yêu cầu các cơ sở không đủ điều kiện này phải sửa đổi như lắp cửa kính trong suốt (thay vì kính mờ), bóc toàn bộ lớp nỉ bọc cửa, 10 cơ sở có biển hiệu tấm lớn phải tháo dỡ.

Hiên nay, theo phản ánh của các quận, huyện, thị xã, mặc dù đã tiến hành rà soát, kiểm tra, xử phạt thậm chí tạm đình chỉ hoạt động nhiều cơ sở kinh doanh karaoke nhưng vì tính chất kinh doanh karaoke thường vào lúc buổi tối, hơn nữa lực lượng cơ quan thanh kiểm tra khá “mỏng” nên vẫn khó kiểm soát được hết tình hình kinh doanh của các cơ sở. Nhiều đơn vị sau khi được cơ quan kiểm tra nhắc nhở tỏ ra thiện chí chấp hành nội quy nhưng khi đoàn kiểm tra đi khỏi lại vi phạm.

* Bất cập trong việc cấp và thu hồi giấy phép

Trong buổi họp bàn về công tác quản lý nhà nước về hoạt động dịch vụ văn hóa karaoke, vũ trường trên địa bàn TP Hà Nội, vấn đề về phân cấp cấp giấy phép hoạt động và việc thu hồi giấy phép trở thành chủ đề “nóng” vì nhiều quận, huyện khá lúng túng khi tiến hành kiểm tra, xử phạt các cơ sở kinh doanh vi phạm.

Các cơ sở kinh doanh karaoke phải đảm bảo công tác PCCC và ANTT. Cơ sở nào không đảm bảo có thể bị đình chỉ hoạt động, rút giấy phép kinh doanh


Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT cho biết, hiện nay xuất hiện nhiều dạng kinh doanh karaoke trá hình, kiểu hình thức café “Hát cho nhau nghe”, khái niệm “quán bar” cũng không rõ ràng khiến cho việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Một trong những sơ hở trong quản lý là việc không quy định thời hạn đối với giấy phép kinh doanh dịch vụ văn hóa karaoke, vũ trường bên cạnh mặt tích cực là tạo điều kiện thuận lợi về cải cách thủ tục hành chính đối với cơ sở kinh doanh, nhưng đã bộc lộ hạn chế, vô tình tạo ra sự nới lỏng trong công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh karaoke.

Theo các quy định hiện hành, hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh karaoke không có giấy đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và an ninh trật tự (ANTT), dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh karaoke, nhưng lại không có giấy chứng nhận PCCC và ANTT. Điều này khiến cho nhiều cơ quan quản lý khó đưa ra việc thu hồi giấy phép với những cơ sở không đảm bảo về PCCC và ANTT.

Về vấn đề này, đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết, thời điểm này, ngay cả cơ quan quản lý ở các quận, huyện vẫn nhầm lẫn giữa giấy chứng nhận kinh doanh và giấy phép hoạt động. Trong giấy phép hoạt động, đề nghị UBND TP Hà Nội cần bổ sung, ngoài 6 điều kiện đã có phải thêm 2 điều kiện nữa về PCCC và ANTT thì mới cấp phép cho cơ sở hoạt động. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cũng đồng quan điểm khi cho rằng, trình tự cấp phép kinh doanh cho các cơ sở cần phải bổ sung thêm 2 điều kiện về PCCC và ANTT. Cơ sở nào vi phạm hoặc chưa đáp ứng được đủ 2 điều kiện nói trên thì có thể đình chỉ hoạt động. Bên cạnh đó, các cơ quan liên ngành cần phải thường xuyên đi kiểm tra đột xuất và quyết liệt thực hiện xử lý đối với những trường hợp vi phạm.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, giám sát và báo cáo kết quả tổng kiểm tra về UBND thành phố trước ngày 25-12. Cơ sở nào vi phạm hoặc chưa đủ điều kiện kinh sẽ bị đình chỉ hoạt động. Phó Chủ tịch UBND thành phố giao Sở VH-TT Hà Nội chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng tập hợp, hệ thống hóa các văn bản, hướng dẫn người dân kinh doanh các dịch vụ văn hóa đúng quy định. Trong đó, việc cần thiết là cần bổ sung chứng nhận PCCC và ANTT trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh karaoke để việc quản lý, giám sát và xử lý ở các cơ sở, địa phương được đồng thuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý Karaoke trên địa bàn Hà Nội: Quyết liệt trong việc cấp và thu hồi giấy phép

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.