Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý hoạt động taxi ở Hà Nội: Lúng túng và bất lực?

Tuấn Lương| 24/09/2016 07:13

(HNM) - Thời gian qua, số lượng taxi do tỉnh ngoài cấp phù hiệu nhưng hoạt động trên địa bàn thành phố và phương tiện ô tô dưới 9 chỗ ngồi tham gia vận chuyển hành khách dưới dạng xe hợp đồng gia tăng đột biến, gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông Thủ đô.


"Xe hợp đồng" hoạt động như taxi

Theo đề án quản lý hoạt động taxi đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, đến năm 2015 số lượng xe taxi của thành phố vào khoảng 20.000 xe; đến năm 2020 sẽ phát triển lên khoảng 25.000 xe. Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) Hà Nội cho biết, hiện số lượng taxi trên địa bàn do thành phố cấp phù hiệu là 19.265 xe, thuộc quản lý của 77 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi. Số lượng xe nằm trong phạm vi cho phép của đề án taxi được duyệt, trong khi số đơn vị kinh doanh giảm 37 đầu mối so với thời điểm năm 2012, sau khi các đơn vị có quy mô nhỏ đã chủ động sáp nhập với đơn vị có quy mô lớn, để đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định hiện hành (về số xe tối thiểu).

Tình trạng xe taxi dừng đỗ, bắt khách lộn xộn trước cửa Ga Hà Nội. Ảnh: Như ý



Trong khi số lượng taxi "truyền thống" do Hà Nội cấp phù hiệu, được quản lý theo quy hoạch thì thời gian gần đây trên địa bàn thành phố lại gia tăng đột biến phương tiện ô tô dưới 9 chỗ ngồi tham gia vận chuyển hành khách dưới dạng xe hợp đồng. Hầu hết các phương tiện này, tuy mang danh nghĩa là “Xe hợp đồng” nhưng thực chất lại hoạt động như xe taxi thông thường, với phần mềm ứng dụng kết nối khách hàng. Đến nay, có 4.012 xe dưới 9 chỗ ngồi đăng ký cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” với Sở GT-VT Hà Nội, trong đó phần lớn đều hợp đồng hoạt động với Công ty TNHH Grabtaxi, đang được Bộ GT-VT cho phép thí điểm (từ tháng 1-2016 đến tháng 1-2018).

Việc gia tăng số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi theo hình thức này trên địa bàn Thủ đô đòi hỏi Bộ GT-VT phải sớm ban hành quy định về quản lý một cách hiệu quả, phù hợp. Trước mắt, Sở GT-VT Hà Nội tiếp tục kiến nghị Bộ GT-VT sớm quy định rõ số lượng xe tối thiểu khi kinh doanh Grabtaxi trên địa bàn thành phố (giống như áp dụng số xe tối thiểu khi kinh doanh taxi "truyền thống"), nhằm bảo đảm phù hợp với mục tiêu của đề án quản lý taxi đã được phê duyệt, tránh tình trạng hoạt động manh mún, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

3.000 xe do tỉnh ngoài cấp phù hiệu

Cũng theo ông Đào Việt Long, bên cạnh sự gia tăng phương tiện hợp đồng nhưng kinh doanh vận tải hành khách như taxi, hiện Hà Nội còn phải đối mặt với khoảng 3.000 xe taxi do các tỉnh cấp phù hiệu nhưng hoạt động trên địa bàn thành phố. Do sự phát triển nhanh về số lượng xe taxi và việc phân bố không đồng đều làm nảy sinh nhiều bất cập, nên ngay từ cuối năm 2011, Sở GT-VT Hà Nội đã tạm dừng việc cấp phép thành lập thêm hãng taxi và không cho tăng số lượng xe của các hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn thành phố; đồng thời rà soát, kiểm đếm phương tiện taxi và đưa ra nhiều giải pháp quản lý. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vận tải đang hoạt động tại Hà Nội đã thành lập chi nhánh tại các tỉnh lân cận (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định...), đầu tư phương tiện và được Sở GT-VT các tỉnh cấp phù hiệu taxi. Khoảng 3.000 taxi dạng này, sau khi được cấp phù hiệu, lại quay về hoạt động thường xuyên trên địa bàn Hà Nội; một mặt gây khó khăn cho công tác quản lý, gây mất trật tự an toàn giao thông, mặt khác đi ngược lại với chủ trương hạn chế gia tăng số lượng xe taxi trên địa bàn thành phố, phá vỡ quy hoạch taxi của Hà Nội.

Thực tế, với việc xuất hiện thêm hơn 7.000 đầu xe (gồm cả Grabtaxi) đã làm gia tăng vi phạm trong hoạt động taxi như tranh giành khách, chạy rà rê, đỗ hàng hai, hàng ba đón khách... cản trở giao thông, nhất là khu vực trước cổng bệnh viện, trung tâm thương mại. Ông Triệu Quang Việt (phố Hào Nam, quận Đống Đa) phàn nàn việc thường xuyên gặp cảnh taxi lòng vòng đón khách trước cổng các bệnh viện lớn. "Đường Giải Phóng, đoạn trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, hay phố Phương Mai, đoạn trước cổng Viện Lão khoa, Viện Da liễu, taxi chạy lòng vòng, nối đuôi nhau quay đầu, dừng hàng hai để đón khách gây ra tình trạng ùn tắc" - ông Triệu Quang Việt nói.

Cũng như xe hợp đồng, nhưng hoạt động như taxi, taxi phù hiệu ngoại tỉnh hoạt động trên địa bàn Hà Nội đặt ra "bài toán" khó cho cơ quan quản lý của thành phố, vì hiện chưa có quy định cụ thể nào cấm taxi được các tỉnh khác cấp phù hiệu về Hà Nội trả khách. Có chăng, phương tiện thuộc đơn vị, chi nhánh của doanh nghiệp tại các tỉnh về hoạt động thường xuyên tại Hà Nội đã không thực hiện đúng phương án kinh doanh vận tải đăng ký với Sở GT-VT các tỉnh.

"Thông thường, Sở GT-VT các tỉnh cấp phù hiệu cho các đơn vị vận tải là nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại địa phương, nên để giải quyết tình trạng này, Sở GT-VT Hà Nội đã kiến nghị Bộ GT-VT chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, theo dõi hoạt động của các phương tiện đã cấp phù hiệu" - ông Đào Việt Long nói. Đặc biệt qua thiết bị giám sát hành trình, các sở GT-VT sẽ biết phương tiện hoạt động như thế nào, để nhắc nhở, xử lý, buộc đơn vị vận tải phải nghiêm túc thực hiện theo đúng phương án đã đăng ký. Nếu tái vi phạm, có thể thu hồi phù hiệu theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý hoạt động taxi ở Hà Nội: Lúng túng và bất lực?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.