(HNM) - Trong các đợt “sốt đất” vừa qua, một phần nguyên nhân không nhỏ đến từ các môi giới bất động sản “tay ngang”, không có chứng chỉ hành nghề, hoạt động tự do. Nhằm ngăn chặn hiện tượng các môi giới làm méo mó thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đang lên kế hoạch sửa Luật Kinh doanh bất động sản 2014, hướng tới chuyên nghiệp hóa thị trường...
Thừa số lượng, thiếu chất lượng
Gần đây, chị N.Q.H (quận Ba Đình) có nhu cầu bán 1 căn hộ chung cư. Ngay sau khi rao bán trên một website, chị liên tục nhận được điện thoại của nhiều người môi giới, đề nghị làm trung gian giới thiệu khách, nếu giao dịch thành công phải trả phí môi giới 30-50 triệu đồng. Kết bạn với một “cò” trên mạng xã hội, chị H thấy người này đăng bán rất nhiều nhà, bán thêm cả thực phẩm chức năng, đồ ăn… nên không yên tâm.
Tổng kết việc thi hành Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Bộ Xây dựng cho biết, đến nay cả nước có 32.912 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và khoảng 80% bất động sản giao dịch thành công thông qua môi giới (282.139 giao dịch thành công). Lực lượng môi giới bất động sản đã góp phần giải phóng một lượng lớn bất động sản tồn kho trong giai đoạn 2014-2019. Tuy nhiên, bộ cũng thừa nhận, nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản hiện thừa về số lượng nhưng lại thiếu về chất lượng.
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính chia sẻ, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định, khi hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ nhưng không cần qua đào tạo. Đây là bất cập, nguyên nhân dẫn đến có 90% cá nhân môi giới bất động sản không có kiến thức căn bản của người làm môi giới. Ngoài ra, còn một bộ phận không nhỏ môi giới tự phát, không chuyên, không có chứng chỉ hành nghề, là một trong những tác nhân làm méo mó thị trường. Trong khi đó, sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật chỉ chiếm khoảng 10%.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cũng không bắt buộc các dự án phải niêm yết công khai, phải giao dịch qua sàn, vì vậy nhiều trường hợp chủ đầu tư tự ý hoặc tự lập sàn để trực tiếp bán hàng. Nhiều sàn trở thành đối tượng chính tạo ra sốt đất, gây hệ lụy xấu cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản nói riêng và kinh tế địa phương nói chung. Trường hợp Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba là điển hình về dự án “ma” bị môi giới “thổi giá”. Ngoài ra, một vấn đề cũng nan giải không kém là hầu hết các địa phương không quản được lực lượng lớn môi giới tự phát tham gia thị trường và việc xử lý sai phạm cũng chưa được thực hiện.
Thực tế thời gian qua cho thấy, những cơn “sốt đất” hay “bong bóng” bất động sản đều có sự tiếp tay không nhỏ từ giới “cò đất” “tay ngang”. Giám đốc Savills Hà Nội (thuộc Tập đoàn cung cấp các dịch vụ bất động sản toàn cầu Savills) Matthew Powell cho biết, chính những cá nhân môi giới bất động sản không có chứng chỉ hợp lệ có thể tự ý đẩy giá lên, làm ảnh hưởng đến giá đất thật sự của thị trường. Cần có quy định chặt chẽ đối với môi giới cá nhân và các tổ chức kinh doanh bất động sản. Một khi chất lượng môi giới được nâng cao, những tin đồn trên thị trường nhằm mục đích trục lợi sẽ giảm đi, qua đó hỗ trợ tính minh bạch của thị trường.
Cần hoàn thiện các quy định của pháp luật
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, Bộ Xây dựng đã dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Theo đó có những quy định siết chặt hoạt động môi giới bất động sản. Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, tại dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Bộ Xây dựng đã đề xuất bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới, không được hoạt động môi giới độc lập; việc mua, bán bất động sản phải thông qua sàn giao dịch. Đặc biệt, cá nhân muốn được cấp chứng chỉ quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản phải hoàn thành khóa học tại các cơ sở đào tạo do Bộ Xây dựng chỉ định...
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính bày tỏ, do đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên việc nâng tầm hoạt động môi giới bất động sản thông qua hoàn thiện các quy định của pháp luật là rất cần thiết. “Để lĩnh vực kinh doanh bất động sản trở nên chuyên nghiệp, ngoài điều kiện cần là sửa luật thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần đẩy mạnh hơn việc đào tạo, cấp chứng chỉ môi giới, quản lý sàn giao dịch bất động sản. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Kinh doanh bất động sản cũng cần được thực hiện thường xuyên hơn”, ông Nguyễn Văn Đính nói.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường cũng đồng tình khi cho rằng, việc siết chặt các quy định trong kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản sẽ hết đất cho “cò” “tay ngang” tự tung tự tác. Khi nhân viên môi giới, sàn giao dịch hoạt động chuyên nghiệp sẽ minh bạch thu nhập, tăng nguồn thu thuế cho Nhà nước.
Hiện nay, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến rộng rãi của các cá nhân, tổ chức... Dự kiến, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án luật lần đầu vào kỳ họp tháng 10-2022, cho ý kiến đối với dự án luật lần thứ hai vào kỳ họp tháng 5-2023 và thông qua dự án luật vào kỳ họp Quốc hội tháng 10-2023.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.