(HNM) - Đã gần hai tuần sau sự việc ba trẻ tử vong trong Chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị hở hàm ếch tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) nhưng nguyên nhân dẫn đến những cái chết thương tâm vẫn chưa được xác định, trách nhiệm thuộc về ai cũng chưa được phân định cụ thể.
Những điều chưa rõ và những chuyện đã rõ
Hiện tại Hội đồng chuyên môn đã đưa ra kết luận ban đầu sau khi đánh giá, thảo luận, kiểm tra các quy trình liên quan đến sự việc trên. Tuy nhiên, kết luận ban đầu này chưa làm dư luận hài lòng. Xảy chuyện chết người, tất yếu có ai đó, cơ quan nào đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng đó là ai?
Cơ quan chức năng cần có giải pháp siết chặt công tác quản lý, kiểm soát các hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo. |
Trực tiếp đến Bệnh viện (BV) Quân y 87, nơi xảy ra sự việc đau lòng nói trên, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, tai biến y khoa liên quan đến quá trình gây mê, quy trình chuyên môn của Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA) còn có thiếu sót. OSCA chưa có quy trình khám tiền phẫu và xét nghiệm tiền phẫu đầy đủ; không có chuyên khoa nhi tham gia vào quá trình khám sàng sọc và chỉ định phẫu thuật; không theo dõi huyết áp trong quá trình gây mê, phẫu thuật; không kịp thời ngừng ngay các hoạt động phẫu thuật khi ca tai biến đầu tiên xảy ra. Mặt khác, công tác tổ chức, phối hợp giữa OSCA với các cơ sở điều trị có chuyên khoa của địa phương chưa được thực hiện chặt chẽ. "Để đưa ra được nguyên nhân chính xác, rõ ràng thì cần phải giám định pháp y và kiểm định thuốc đã sử dụng trong quá trình gây mê, xem xét việc pha hóa chất, thuốc mê có đúng liều lượng hay không… Tuy nhiên, các gia đình có con tử vong đã không khởi kiện, không đồng ý mổ tử thi", ông Lương Ngọc Khuê nói.
Nhưng, không cần chờ mổ xẻ, phân tích, khám nghiệm tử thi hay kết luận của Hội đồng chuyên môn về nguyên nhân dẫn đến tử vong thì dư luận cũng có thể đặt vấn đề về trách nhiệm quản lý ngành, quản lý địa bàn cũng như hàng loạt sự khuất tất trong vụ việc này. Như Báo Hànộimới đã thông tin, Trung tâm OSCA được thành lập từ năm 2007, đến nay đã tiến hành tổ chức phẫu thuật nhân đạo cho hơn 2.000 trường hợp ở nhiều tỉnh, thành trong điều kiện chưa được ngành y tế cấp chứng chỉ hành nghề, chỉ có giấy phép nghiên cứu khoa học công nghệ trên lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng, y học trị liệu, phẫu thuật thẩm mỹ và tạo hình do Sở KH&CN Hà Nội cấp. Việc tổ chức "phẫu thuật chui" ấy nói lên điều gì? Theo một chuyên gia trong ngành y tế, không loại trừ khả năng OSCA "núp bóng" tổ chức nghiên cứu khoa học, kêu gọi từ thiện nhưng thực chất lại trực tiếp tổ chức khám, chữa bệnh để thu lợi. Nói vậy là bởi trong thời gian qua, với một số hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo, báo chí từng phản ánh tình trạng "lạm dụng tiền từ thiện". Đã có cơ sở lợi dụng lòng tốt của các nhà hảo tâm, đứng ra kêu gọi tài trợ cho chương trình khám chữa bệnh miễn phí nhưng lại tìm cách thu tiền thuốc của bệnh nhân.
Thiếu quy định hay thiếu trách nhiệm thực thi công vụ?
Hai ngày trước, 3-9, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2014/TT-BYT quy định về điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ và thủ tục cho phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện khám chữa bệnh nhân đạo tại Việt Nam, trừ hoạt động do Bộ Quốc phòng và một số hoạt động do Chữ thập đỏ tổ chức. Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh nhân đạo để được cấp giấy phép hoạt động phải đáp ứng đủ điều kiện về quy mô, cơ sở vật chất, tổ chức nhân sự, trang thiết bị y tế tương ứng với hình thức tổ chức quy định, có văn bản chứng minh có nguồn tài chính ổn định bảo đảm cho hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo…
Đó được coi là phản ứng kịp thời của ngành y tế, nhưng là động thái diễn ra sau khi tai biến y khoa nặng nề đã xảy ra. Về cơ bản, nhiều người cho rằng, nếu thông tư nói trên được ban hành trước ngày OSCA tổ chức phẫu thuật nhân đạo ở Nha Trang nhưng các bộ phận liên quan không thực hiện quy định thì hậu quả xấu vẫn có thể xảy ra. Bởi vậy, mấu chốt vấn đề nằm ở trách nhiệm thực thi công vụ. Như với "vụ OSCA", "lỗ hổng OSCA", theo ông Lương Ngọc Khuê khẳng định, Bộ Y tế đã có quy định rõ ràng, dù cơ sở thực hiện phẫu thuật ở đâu thì cũng phải nhận được sự cho phép của cơ quan quản lý y tế địa bàn. "Ở sự việc này, chắc vì ông nọ tin tưởng ông kia nên xảy ra sự dễ dãi trong việc thẩm định, cấp phép chăng?".
Khám chữa bệnh vì mục đích nhân đạo là việc làm đáng trân trọng, cần được khuyến khích, nhất là trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn có sự hạn chế. Thời gian qua, các tổ chức từ thiện phi chính phủ đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giúp đỡ những trường hợp khó khăn, bệnh tật từng bước ổn định sức khỏe, nâng cao chất lượng sống. Những mái ấm tình thương, những chương trình mổ mắt, mổ tim, mổ sứt môi, hở hàm ếch từ thiện... đã mang đến hạnh phúc cho nhiều em nhỏ. Tuy nhiên, quy trình khám chữa bệnh nhân đạo phải được thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn cho người bệnh, tránh tạo kẽ hở cho những cá nhân, tổ chức không đủ năng lực, điều kiện lợi dụng để trục lợi. "Lỗ hổng OSCA" cho thấy chúng ta cần xây dựng khung pháp lý phù hợp, đề ra giải pháp quản lý, giám sát chặt chẽ công tác khám chữa bệnh nhân đạo. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có phương án hướng dẫn tổ chức từ thiện tuân thủ pháp luật, làm đúng hướng dẫn chuyên môn, phối hợp tốt với các ngành liên quan trong quá trình thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.