(HNM) - Với vị thế Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và giao dịch quốc tế, Hà Nội đảm nhận nhiều chức năng quan trọng mang tầm vóc quốc gia. Trong cấu trúc không gian đô thị, thành phố Hà Nội đang dần lộ diện hình thái đô thị lớn, đồng nghĩa với việc đối mặt với nhiều thách thức về sự bền vững, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.
Những biến đổi tất yếu
Theo kiến trúc sư Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), từ cuối thế kỷ XX, Hà Nội chỉ có các quận cũ là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và hình thành các quận mới Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy. Đầu thế kỷ XXI, việc mở rộng địa giới hành chính giúp Hà Nội trở thành Thủ đô có diện tích lớn trên thế giới. Thành phố hình thành nhiều quận mới như: Long Biên, Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm.
Hình thái không gian đô thị Hà Nội được phân làm 2 khu vực lớn: Khu vực nội thành là khu vực đô thị thống nhất gồm tập hợp các công trình nhà ở, vườn hoa, công viên đô thị liền kề nhau... Khu vực ngoại thành gồm hệ thống các thị trấn, thị xã đan xen với vùng nông nghiệp, nông thôn. Những biến đổi dễ nhận thấy là mạng lưới sông hồ và làng mạc, xưa kia vốn là nét đặc trưng của nội thành Hà Nội, nay đã thay thế bởi những tòa nhà kiến trúc cao, thấp tầng, không gian bê tông hóa... Tại khu vực ngoại thành, không gian nông nghiệp đối mặt với sự hoang hóa bởi xuất hiện hàng trăm dự án đô thị, công nghiệp “đắp chiếu”. Các khu định cư nông thôn mang đậm bản sắc văn hóa Đồng bằng sông Hồng thay đổi nhanh chóng khi tiếp cận các luồng dân nhập cư.
“Hình thành vùng đô thị lớn là xu hướng mang tính toàn cầu và quản lý đô thị lớn luôn gây nhiều khó khăn đối với các quốc gia bởi tính phức tạp, đòi hỏi cách thức điều hành khác so với các đô thị trung bình và nhỏ. Hà Nội cũng đang lộ diện hình thái đô thị như vậy và thành phố đối diện thêm nhiều thách thức bởi quá trình tăng trưởng nhanh nhưng còn thiếu bền vững”, kiến trúc sư Phạm Thị Nhâm nhấn mạnh.
Cần có chính sách quản lý đặc thù, phù hợp
Đề cập đến tầm quan trọng của công cụ quản lý đô thị lớn, kiến trúc sư Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia nêu, công cụ quy hoạch không gian và chiến lược phát triển phân vùng đất đai lồng ghép với nhiều chủ đề mới như: Tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, bình đẳng xã hội giữa các địa bàn, kinh tế số, tiết kiệm năng lượng... cần được chính quyền thành phố theo đuổi nhằm tổ chức quá trình mở rộng đô thị lớn.
Điều này cần đặt ra bởi tình trạng mở rộng đô thị ở các vành đai nếu không được kiểm soát sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, như hiện tượng phân hóa trong tổ chức không gian dẫn đến phân tầng xã hội giàu nghèo và khoảng cách giữa các nhóm cư dân trong đô thị; việc thiếu kiểm soát làm cho đô thị mất tính cân bằng và bền vững.
Một trong những bất cập lớn nhất hiện nay là thiếu công cụ nhận dạng không gian đô thị. Nhiều quốc gia sử dụng ảnh viễn thám, chụp ảnh vệ tinh, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), còn ở nước ta thiếu điều kiện này. Ngoài ra, Hà Nội còn thiếu chính sách quản lý phát triển Thủ đô. Năm 2011, quy hoạch chung Hà Nội được thông qua theo hướng tiếp cận quản lý phát triển đô thị lớn và cân bằng giữa bảo tồn với phát triển. Tuy nhiên, nhiều mục tiêu chiến lược đặt ra cho Hà Nội trong giai đoạn 2011-2020 vẫn chưa làm được, như: Tái cấu trúc không gian và giảm áp lực ở khu vực nội đô lịch sử, phát triển đô thị vệ tinh và thị trấn sinh thái, phân bố lại những chức năng chủ đạo phù hợp với thành phố có đặc trưng sông hồ và làng mạc, liên kết Hà Nội với các đô thị trong Vùng Thủ đô và Đồng bằng sông Hồng.
Cũng từ những bất cập trên, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, đơn vị lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu, nhiệm vụ của Quy hoạch Thủ đô giai đoạn tới là cần lựa chọn mô hình phát triển phù hợp định hướng không gian phát triển đô thị và nông thôn; xử lý thỏa đáng vành đai xanh. Ngoài ra, một nhiệm vụ quan trọng của công tác quy hoạch là tìm được giải pháp cho phát triển kinh tế vừa nhanh vừa bền vững…
Bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, Hà Nội đang tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố phức tạp nội sinh, ngoại sinh của một đô thị lớn. Để tổ chức tốt quá trình mở rộng đô thị và lựa chọn mô hình phát triển phù hợp đối với các khu vực cấu thành chính của Thủ đô Hà Nội đòi hỏi các chính sách quản lý phát triển đô thị đặc thù, phù hợp với vị thế và quy mô hiện có. Hy vọng, lời giải cho những thách thức, yếu tố phức tạp này sẽ sớm được bổ sung trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.