Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm: Chưa hiệu quả vì thiếu quyết liệt?

Ngọc Quỳnh| 20/07/2015 06:23

(HNM) - Sự thiếu quyết liệt của chính quyền các địa phương cộng với một số cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế nên công tác kiểm soát chất lượng thực phẩm còn hạn chế, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.


Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ... công khai hoạt động

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, thành phố mới kiểm soát, bảo đảm an toàn thực phẩm khoảng 44% sản phẩm gia súc, gia cầm. Đáng nói, số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nhiều dẫn tới số lượng sản phẩm gia súc, gia cầm giết mổ không bảo đảm chất lượng, chưa được kiểm soát, mất vệ sinh thú y... còn lớn. Công tác quản lý vận chuyển gia súc, gia cầm đã được triển khai nhiều năm nhưng thiếu hiệu quả, hằng ngày thương lái vẫn chở lợn bằng xe máy, không bảo đảm điều kiện vệ sinh từ các điểm giết mổ vào khu vực nội thành để tiêu thụ. Số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 16 của thành phố còn ít. Một trong những nguyên nhân là cơ sở giết mổ nằm trong quy hoạch của thành phố hoặc các huyện, thị xã không đủ công suất giết mổ hoặc chưa được cải tạo, nâng cấp đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Dây chuyền giết mổ tại cơ sở Vinh Anh (Từ Liêm). Ảnh: Quỳnh Dung


Tại huyện Đan Phượng, thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố và huyện đã vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ kịp thời các điểm giết mổ công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định 16 của thành phố cho các điểm giết mổ còn gặp khó khăn. Trên địa bàn huyện có 56% cơ sở nhỏ lẻ với công suất 2-50 con lợn, trong khi đó, theo quy định của thành phố phải có công suất giết mổ từ 100 con/ngày trở lên mới được hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, dù kiểm soát giết mổ của thành phố đã có chuyển biến nhưng vẫn thuộc nhóm yếu của cả nước, thậm chí chưa chấm dứt được việc giết mổ ngay tại nội thành. Các huyện, thị xã chưa thực sự quan tâm và chú trọng đẩy mạnh công tác quản lý giết mổ và triển khai thực hiện quy hoạch giết mổ trên địa bàn. Các cơ sở giết mổ công nghiệp thiếu chủ động, linh hoạt trong việc liên kết nguồn cung cấp động vật cho giết mổ, đầu ra cho sản phẩm sau giết mổ. Quỹ đất dành cho việc đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, bán công nghiệp hoặc giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng các cơ sở giết mổ còn thiếu và chưa đáp ứng với tiến độ đề ra. Vốn bố trí cho công tác giết mổ thiếu, bên cạnh đó các cơ sở giết mổ gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân...

Nâng cao hiệu lực quản lý

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đánh giá, dù đạt những kết quả nhất định nhưng tỷ lệ quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố vẫn còn thấp. Các lò giết mổ tập trung hoạt động chưa hiệu quả, liệu chính sách có đủ mạnh? Theo Phó Chủ tịch, khâu vận chuyển, quản lý thú y còn nhiều hạn chế; chế biến ở các lò giết mổ công nghiệp còn khó khăn do thiếu sự liên kết nguồn cung ổn định, thiếu kênh phân phối, cửa hàng, chưa đưa thực phẩm sạch an toàn, qua kiểm dịch đến với người dân. Do đó, thời gian tới, đối với 14 cơ sở bán công nghiệp và 5 cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn thành phố, cần cải tiến kỹ thuật để mỗi năm nâng công suất lên 10-15%...; phấn đấu xây dựng một số cơ sở mới theo quy hoạch, cố gắng mỗi huyện có một cơ sở giết mổ tập trung. Cùng với đó, tập trung triển khai thực hiện quy hoạch giết mổ, trong đó, Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch giết mổ trên địa bàn và đề xuất thành phố bố trí kinh phí cho các dự án đang thực hiện.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, các huyện, thị xã tập trung phát triển cơ sở giết mổ tập trung, xây dựng lộ trình tiến tới cấm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, không bảo đảm yêu cầu vệ sinh theo quy định. Sở NN&PTNT cần tập trung kinh phí chương trình mục tiêu an toàn thực phẩm, nguồn thu phí, lệ phí thuộc Chi cục Thú y và dự án Lifsap tiếp tục đề xuất hỗ trợ cải tạo, nâng cấp một số cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát an toàn thực phẩm, đủ điều kiện vệ sinh thú y. Bên cạnh đó, chủ trì phối hợp với sở, ngành liên quan kiểm tra, thẩm định, đánh giá, phân loại các cơ sở giết mổ đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 16 của thành phố; tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho các cán bộ quản lý về giết mổ và các cơ sở tham gia giết mổ gia súc, gia cầm ở huyện, thị xã, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giết mổ...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm: Chưa hiệu quả vì thiếu quyết liệt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.